Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần sự thay đổi từ hai phía

Dục Tú| 26/07/2012 06:24

1. Cả thế giới háo hức chờ đón Olympic London 2012, sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh bốn năm mới có một lần. Người Việt Nam yêu thể thao không phải ngoại lệ, dõi theo từng sự kiện liên quan, đặc biệt là những gì gắn liền với sự chuẩn bị của 18 vận động viên ưu tú của ta đã giành quyền thi đấu tại Olympic.

Mấy tuần trước ít nhiều thấy mừng vì ngành thể thao và nhiều đơn vị, tổ chức treo thưởng cho vận động viên Việt Nam đoạt huy chương Olympic London 2012. Khách quan mà nói thì thể thao ta còn yếu, chưa thể tiệm cận trình độ thế giới nên khả năng có huy chương để mà lĩnh thưởng không cao, nhưng có nơi "treo" tiền tỉ cho huy chương thì ít nhiều vận động viên cũng có thêm khí thế. "Mừng ít nhiều" là vì thế.

Tuần này lại thấy chạnh lòng vì nhớ ra số tiền tiêu vặt mỗi ngày của tuyển thủ quốc gia trong thời gian dự Olympic ít quá, quãng hơn chục USD theo quy định chung thì phải, biết tiêu gì ở cái xứ nổi tiếng đắt đỏ lại đang vào "mùa chặt chém"? Khoản thưởng tiền tỷ như mơ, vài trăm nghìn đồng tiền tiêu vặt là hiện thực, cái nào tác động tới tâm lý vận động viên nhiều hơn? Vận động viên ta có cái khác so với nhiều nước, được Nhà nước bao cấp khi ra nước ngoài thi đấu, tập huấn, không phải bỏ tiền túi nhưng giá như ở đâu đó "thừa tiền", tài trợ thêm cho 18 tuyển thủ thay vì tiêu phí… Nói chạnh lòng là vì thế, vì cái sự động viên ít nhiều khiến người ta cho là thiếu thiết thực.

2. Ngành văn hóa thể thao, theo chức năng nhiệm vụ được giao tổ chức nhiều sự kiện "mang tính bề nổi", từ cuộc đấu thể thao đến liên hoan, hội diễn, lễ hội. Bên những kỳ cuộc tưng bừng, đỉnh cao hoặc "vui là chính" thì còn có những chương trình chiều sâu, "bón gốc" như đào tạo, nghiên cứu, xây dựng phong trào. Hoạt động nào cũng cần tiền, thậm chí là rất nhiều tiền, nên ngoài ngân sách nhà nước còn cần nguồn xã hội hóa nữa.

Lâu nay, "mảng" xã hội hóa dành cho các sự kiện văn hóa, thể thao dường như có sự lệch pha. Thường thấy sự đổ tiền vào các hoạt động giải trí, sự kiện "dễ nổi", nôm na là dành cho "ngọn". Nhiều Mạnh Thường Quân ưa treo thưởng theo thành tích hơn là đầu tư cho đào tạo, tuyển chọn, tập huấn. Có người nói là đầu tư theo cách 1 thì nhà tài trợ thường dễ nổi hơn cách 2, bởi lễ trao thưởng nào mà chẳng được truyền thông tới nơi tới chốn (?). Hơn nữa, tiếng là cùng tài trợ cho thể thao nhưng các đại gia bỏ nhiều tỷ đồng cho bóng đá, bóng chuyền dễ như bỡn, còn với nhiều môn khác thì… ngoảnh mặt làm ngơ, mấy ai cần biết hiện giờ, với thể thao Việt Nam, những tuyển thủ ưu tú của điền kinh (như Nguyễn Thị Thanh Phúc), cử tạ (Trần Lê Quốc Toàn), bơi lội (Nguyễn Thị Ánh Viên), thể dục dụng cụ (Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng), đua thuyền (Phạm Thị Thảo, Phạm Thị Hài)… đáng được thương yêu giúp đỡ hơn một vài tuyển thủ bóng đá chưa phát lộ hết tài năng đã "dính" tật. Mỗi nơi góp vài trăm USD cho tuyển thủ Olympic, sang hơn thì tài trợ cho họ một chuyến tập huấn "tìm đúng chỗ, đúng thầy", rõ thiết thực, hiệu quả xã hội và ít tốn kém hơn đón một tên tuổi bóng đá về CLB rồi có khi phải "nuôi báo cô", chẳng phải là hay hơn hay sao? Xã hội hóa văn hóa, thể thao ở ta, về chủ trương hẳn nhiên là đúng, là cần thiết nhưng thực tiễn cho thấy còn có sự cần uốn nắn, khơi gợi cách thức thực hiện thiết thực, hiệu quả, có lợi cho tất cả các bên. Việc ấy không chỉ phụ thuộc vào ý thức của nhà tài trợ, mà còn liên quan đến cách thức mời gọi, tiếp nhận tài trợ, vào cách tiếp cận của truyền thông đại chúng.

Bệnh "con yêu, con ghét", "hớt ngọn, bỏ gốc" hạn chế hiệu quả công tác xã hội hóa, cần sự thay đổi từ cả hai phía nhận và cho.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần sự thay đổi từ hai phía

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.