(HNM) - Với nhiều tiện ích khi tham gia giao thông, giá cả phù hợp với túi tiền của người dân, xe máy là phương tiện giao thông cá nhân được sử dụng phổ biến nhất ở nước ta, đặc biệt tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, số lượng xe máy tăng “chóng mặt” không chỉ tạo áp lực lớn về giao thông đô thị, mà còn gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn cho người tham gia giao thông.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, hiện cả nước có khoảng 49 triệu xe cơ giới được đăng ký, trong đó xe máy chiếm tới 95% (tương đương 46,5 triệu chiếc).). Trung bình mỗi năm trên địa bàn Hà Nội có thêm khoảng 170.000 xe máy được đăng ký mới, nhưng số xe cũ, hết hạn sử dụng, không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn giao thông vẫn ngang nhiên lưu thông vì chưa có quy định về niên hạn hay đăng kiểm với loại phương tiện này. Nghịch lý là trong khi phần lớn ô tô đã được kiểm soát khí thải theo chu kỳ đăng kiểm, có niên hạn sử dụng thì số xe máy trên vẫn “ngoài vòng” kiểm soát. Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mất an toàn giao thông mà những chiếc xe máy cà tàng xả khói đen sì gây ô nhiễm không khí, làm mất mỹ quan đô thị.
Trước áp lực ngày một lớn về môi trường, trong đó xe máy là “thủ phạm” chính thải ra các chất gây ô nhiễm không khí đô thị, ngày 17-6-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 909/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố. Thế nhưng hơn 6 năm trôi qua, Đề án vẫn… “nằm trên giấy”. Mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục trình Bộ Giao thông-Vận tải dự thảo quy định về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với mô tô, xe gắn máy (xe máy) và dự kiến áp dụng từ ngày 1-7-2018 tại 5 thành phố lớn gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng và Đà Nẵng.
Là phương tiện giao thông cá nhân phổ biến, nên những quy định trong dự thảo đang thu hút sự quan tâm của người dân, đặc biệt tính khả thi trong triển khai thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy. Nhiều ý kiến quan ngại rằng, những quy định này khó triển khai bởi việc kiểm tra khí thải xe máy tương đối phức tạp, liên quan đến nhiều thành phần xã hội; đồng thời thiếu căn cứ pháp lý và quan trọng hơn là chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền.
Để thực hiện lộ trình kiểm soát khí thải, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy, việc tiếp tục nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách đồng bộ, cụ thể hơn cho áp dụng các tiêu chuẩn, lộ trình, chế tài là cần thiết. Trong đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam cần chuẩn bị kỹ hơn về thiết bị, con người, quy trình, tiêu chuẩn để kiểm soát được khí thải của các phương tiện cơ giới - nhất là xe máy - trong quá trình lắp ráp, lưu hành. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế để người dân đưa xe máy đi kiểm định không phải trả tiền, cơ sở kiểm định được hoàn tiền phí từ nguồn thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng như nhiều nước đang áp dụng. Bên cạnh đó, các đại lý được ủy quyền chính thức của các công ty sản xuất, lắp ráp phải trở thành lực lượng chính tham gia kiểm tra khí thải xe máy vì số lượng các đại lý được ủy quyền đủ khả năng đáp ứng nhu cầu này.
Ô nhiễm không khí ngày càng trở nên trầm trọng tại các thành phố lớn. Vì thế, kiểm soát khí thải đối với xe máy sẽ là cần thiết để bảo vệ môi trường sống, giữ gìn sức khỏe cho người dân. Trong đó, từng bước “xóa sổ” những xe máy hết niên hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông là việc cần làm ngay. Kinh nghiệm từ các nền kinh tế phát triển cho thấy, việc áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải cao hơn, hàng rào kiểm soát khí thải nghiêm ngặt hơn thì môi trường đô thị sẽ sạch hơn.
Rõ ràng để Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại các tỉnh, thành phố trở thành hiện thực đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn, không chỉ ở các cấp chính quyền liên quan mà quan trọng hơn là ý thức của mỗi người dân khi tham gia giao thông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.