Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần sự quan tâm sát thực hơn nữa

Đỗ Minh| 12/04/2017 07:11

(HNM) - Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu đối với nền nông nghiệp đô thị sinh thái. Tuy nhiên, làm thế nào để đưa công nghệ cao vào các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc thù của Hà Nội là bài toán khó, đòi hỏi sự quan tâm đầu tư sát thực hơn nữa...

Trao đổi kinh nghiệm ươm trồng lan ở thôn Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức. Ảnh: Tào Ngọc


Người sản xuất mong ngóng...

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp đô thị sinh thái, TP Hà Nội đã triển khai thực hiện chương trình "Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020".

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Để triển khai chương trình, năm qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã khảo sát từng vùng, từng loại cây trồng, vật nuôi để chọn xây dựng điểm những mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC. Tuy nhiên, người dân vẫn đang ngóng nguồn kinh phí hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng CNC, hiện chưa được phân bổ. Trường hợp của gia đình anh Nguyễn Văn Lợi, thôn Xuân Tảo, xã Xuân Giang (Sóc Sơn), là một ví dụ. Gia đình anh Lợi có hơn 10 vườn hoa ly quy mô từ 2 đến 3ha, trồng ở nhiều địa phương và đều làm nhà khung có lưới che. Mỗi năm, các vườn này cho thu nhập từ 2 đến 3 tỷ đồng. “Trồng hoa chất lượng cao cho thu nhập khá, gia đình tôi mong được hỗ trợ vốn vay, thuê đất, xây dựng nhà màng, nhà lưới, khu sơ chế, bảo quản để phát triển hoa CNC và trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Song chính sách hỗ trợ vẫn chưa được triển khai...” - anh Lợi nói.

Không chỉ các hộ gia đình mà cả nhiều vùng chuyên canh cũng đang trông chờ nguồn đầu tư để ứng dụng CNC. Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến cho biết: Chè là một trong những cây trồng được ngành Nông nghiệp Hà Nội chọn để ứng dụng CNC. Hiện nay, Ba Vì có vùng nguyên liệu trồng chè rộng gần 2.000ha. Nếu được đầu tư ứng dụng CNC bài bản và hình thành nhà máy chế biến bảo quản chè thì Ba Vì có thể là hình mẫu thu nhỏ về nông nghiệp đô thị sinh thái gắn với phát triển du lịch...

Để hướng đến nền nông nghiệp hiện đại...

Theo quy định về một số chính sách thực hiện chương trình "Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020", thành phố đã dành nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư. Cụ thể, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình có dự án, phương án đầu tư phát triển sản xuất giống, chế biến, bảo quản nông sản ứng dụng CNC vay vốn từ các quỹ của thành phố sẽ được ngân sách hỗ trợ 100% phí quản lý và 100% lãi suất theo quy định của Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh TP Hà Nội tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng; thời hạn vay tối đa 36 tháng. Mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ về phí quản lý, lãi suất vốn vay cho 1 dự án, tổng mức vay được hỗ trợ tối đa không quá 50 tỷ đồng/dự án.

Anh Tạ Công Thực, ở xã Đông La (Hoài Đức), là chủ doanh nghiệp trồng hoa lan cho biết: "Theo quy định, ngân sách thành phố chỉ hỗ trợ sau khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động. Điều này là chưa phù hợp bởi nếu doanh nghiệp có đủ vốn đầu tư để đưa dự án vào hoạt động thì đã không cần nguồn vốn vay ưu đãi. Vì thế, mong cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét có những chính sách hỗ trợ sát thực hơn".

Ngoài ra, việc tích tụ ruộng đất trên địa bàn thành phố đang gặp không ít khó khăn. Đây là một cản trở đối với các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC. Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH cho rằng: Chìa khóa để xây dựng những mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC là diện tích, quy mô sản xuất phải lớn và nhà đầu tư cần vốn lớn. Ở một vài địa phương như Thái Bình, Nghệ An, chính quyền đã cùng doanh nghiệp vận động các hộ cho thuê đất, ngược lại doanh nghiệp cũng phải bảo đảm quyền lợi của người nông dân khi họ cho thuê đất. Đây cũng là cách làm hay Hà Nội có thể tham khảo giúp doanh nghiệp tiếp cận với nông dân.

Theo chuyên gia kinh tế nông nghiệp Vũ Trọng Khải, ngoài việc phát triển các mô hình thì doanh nghiệp và nhà quản lý phải tính đến thị trường tiêu thụ. Vốn đầu tư lớn, sản phẩm có hàm lượng CNC đồng nghĩa với thị trường tiêu thụ cao cấp. Do vậy, ngoài việc tiêu thụ ở thị trường Thủ đô, ngành Nông nghiệp Hà Nội nên xây dựng các kênh phân phối để đưa sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC vươn ra các tỉnh, thành phố và thế giới một cách hiệu quả.

Về những khuyến nghị nêu trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND về một số chính sách thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, việc tích tụ ruộng đất liên quan đến Luật Đất đai, là khó khăn chung không chỉ riêng Hà Nội mà hầu hết các địa phương đang vướng phải. Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã kiến nghị Quốc hội sửa đổi một số điều trong Luật Đất đai để giúp các địa phương tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung... Với việc tháo gỡ các "nút thắt" đang tồn tại như thế này một cách căn cơ, hy vọng mô hình nông nghiệp đô thị sinh thái của Hà Nội sẽ sớm phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần sự quan tâm sát thực hơn nữa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.