(HNM) -Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) có hiệu lực từ ngày 1-7-2008, là sự thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về vấn đề này; góp phần nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ thực thi pháp luật. Tuy nhiên, để luật thực sự đi vào cuộc sống, là công cụ đắc lực bảo vệ hạnh phúc gia đình, nhân phẩm và sức khỏe phụ nữ, đòi hỏi sự cố gắng của tất cả các ngành, các cấp, mọi gia đình và toàn xã hội.
Các tình nguyện viên chuẩn bị chương trình tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình tại Ngôi nhà Bình yên (thuộc TT Phụ nữ và Phát triển - Hội LHPN Việt Nam). Ảnh: Khánh Nguyên |
Những mảnh đời
Bị chồng đánh đập, dọa giết, tháng 7-2008, N.T.K. (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) phải bỏ nhà đi. 8 ngày sau, mặc dù chưa thật tin vào lời hứa của chồng, chị vẫn quyết định trở về nhà. Thế nhưng, từ khi về nhà, anh ta không cho chị buôn bán, bắt đi làm thuê. Sức khỏe kém, thu nhập của chị ít hẳn. Anh ta cũng chẳng chịu làm gì. Tệ hơn, chồng chị còn bắt chị viết giấy từ bỏ bố mẹ, anh em. Vì quá sợ chồng, K. đồng ý.
Hai tháng sau, K. tiếp tục bị chồng đánh đập tàn nhẫn. Biết K. không dám xa mình, hắn ép cô viết giấy nhận mình đã ngủ với một người đàn ông khác và viết giấy cam đoan từ chối quyền sở hữu tài sản cùng quyền nuôi con gái. Bị anh ta cầm thanh sắt dọa đập chết, quá sợ hãi, cô đành làm theo...
Nửa đêm 10-4-2009, anh ta lại đánh, dọa giết và ép chị phải gọi điện với người đàn ông trên theo nội dung được soạn trước, để anh ta ghi âm. Còn đủ tỉnh táo để lường trước hậu quả nếu làm theo lời chồng, K. nhất quyết không làm theo. Vì thế, chị bị anh ta đánh thâm tím mình mẩy. Hôm sau, sợ vợ bỏ trốn, anh ta ở nhà suốt ngày canh vợ. Hai hôm sau, khi chồng đi mua sắt, K. bỏ trốn và nhờ bạn đưa ra bến xe.
Với thể trạng suy kiệt, tinh thần hoảng loạn, dễ bị kích động, ám ảnh sợ hãi, lo âu... chị được bác sỹ kết luận: bị trầm cảm nặng. Khi đã bình tâm trở lại, chị được tư vấn, hướng dẫn làm đơn trình báo chính quyền. Chị cũng hiểu rằng sự cam chịu chỉ làm cho vấn đề BLGĐ trở nên trầm trọng hơn mà thôi.
Đây chỉ là nạn nhân điển hình của tệ BLGĐ. Trong khi đó, thống kê của Viện Xã hội học (Viện Khoa học Việt Nam) cho biết, 66% các vụ ly hôn liên quan đến BLGĐ, 5% phụ nữ được hỏi thừa nhận bị chồng đánh đập thường xuyên, 82% hộ gia đình ở nông thôn và 80% hộ ở thành phố có xảy ra BLGĐ.
Chặng đường gian nan
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng ban Luật pháp - Chính sách, Hội LHPN TP Hà Nội, sau 2 năm thực thi Luật Phòng chống BLGĐ, nhận thức của người dân và cán bộ về BLGĐ đã được nâng cao. Bước đầu, những người bạo hành đã chùn tay khi "nghe nói có luật"; nhiều cán bộ cơ sở đã không dám bỏ qua các vụ BLGD (vì thành tích). Tuy nhiên, số vụ BLGĐ không vì thế mà giảm đi.
Bà Trần Thị Dự, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sóc Sơn cho biết, Hội LHPN huyện đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn về Luật Phòng chống BLGĐ cho phụ nữ và người dân tại 26 xã, thị trấn. Mặc dù vậy, toàn huyện vẫn chưa có nhà tạm lánh hoặc địa chỉ tin cậy cho phụ nữ khi bị bạo hành. Cũng chưa có xã nào áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc khi xảy ra BLGĐ... Đây cũng là địa phương có nhiều vụ BLGĐ. Đơn cử: cụ bà Nguyễn Thị Th. (xã Minh Trí) bị con trai đánh, chửi nhiều lần; chị Nguyễn Thị Lưu (xã Tân Hưng, đã chết) bị chồng là Nguyễn Văn Doanh đánh đập, nhục mạ liên tiếp trong thời gian dài…
Từ khi có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành luật, ngoài hai nghị định của Chính phủ (số 08/2009/NĐ-CP ngày 4-2-2009, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật, số 110/2009/NĐ-CP ngày 10-12-2009, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống BLGĐ), các bộ liên quan (GD-ĐT, VH-TT&DL, LĐ-TB&XH, Y tế, Tài chính) vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn thi hành luật. Khi chưa có chế tài cụ thể, công tác tuyên truyền, phòng chống BLGĐ chưa thể thúc đẩy mạnh mẽ. Đời sống tinh thần, sức khỏe của phụ nữ, trẻ em - nạn nhân BLGĐ vẫn chưa được bảo đảm. Trong khi đó, điều tra năm 2006 của Tổng cục Thống kê cho biết, 64% phụ nữ độ tuổi 15-49 cho rằng: chấp nhận được các hành vi bạo lực của chồng đối với vợ? Điều này cho thấy, chặng đường đến với mục tiêu xóa bỏ bạo lực, bảo vệ hạnh phúc gia đình - tế bào của xã hội vẫn còn rất dài và rất gian nan...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.