(HNM) - Minh bạch gần với đàng hoàng, khiến nhiều sự dễ chịu hẳn lên. Với ý nghĩa cá nhân hay từ góc độ xã hội thì cũng đều thế cả. Hơi trừu tượng, nhưng chỉ cần soi rọi thực tế là sáng rõ như ban ngày.
Bạn vào hàng quà sáng, có thể phải trả bốn chục nghìn đồng cho một bát phở mà với bạn chẳng ngon lành gì; bát ấy, ở chỗ khác, quán xá không hoành tráng, cỡ hai mươi, hai nhăm nghìn là "kịch". Mùi vị, ngon ngọt hay không là thế, nhưng tâm trạng sau khi bỏ ra bốn chục nghìn ở những nơi khác nhau lại có sự khác nhau. Ở chỗ mà chủ hàng phơi rõ biểu giá "khủng" so với túi tiền của số đông, ta có quyền lựa chọn. Nhưng biết mình bị "chém" sau khi buông đũa thì cảm giác khác hẳn.
Vào trung tâm điện máy, thấy cơ man máy tính xách tay, các kiểu LCD. Cái có giá chục triệu, có cái cùng hãng, cũng từng ấy núm, nút, mà những ba, bốn chục triệu. Tất nhiên đa số có xu hướng chọn loại giá vừa phải. Nhưng cũng đa số không biết là xác suất gặp trục trặc sớm của loại giá thấp lớn hơn rất nhiều so với sản phẩm giá cao. Vì sao? Hầu hết chủ hàng chẳng nói với bạn ruột thứ đồ giá rẻ là gì, họ đưa ra lý do khác, như muốn thu hồi vốn, đang kỳ khuyến mãi. Thế mới có chuyện một anh thợ kể "suốt gần một năm toàn sửa ti vi cho khách mua ở chỗ ấy". "Chỗ ấy" là nơi bán xỉ nhiều loại hàng, giờ vẫn hấp dẫn bao người. Rõ ràng khâu PR của họ khéo.
Chuyện bán - mua đại loại thế, dường như khó phân biệt thật - giả, đắt -rẻ, song chủ yếu là do sự thiếu minh bạch của phía cung. Cái sự mập mờ, phập phù có thể thấy ở một số lĩnh vực vĩ mô hơn chứ chẳng riêng gì điện máy hay quà sáng. Chuyện vay vốn, nhà đất, đấu thầu, chương trình truyền hình, giải thưởng nghệ thuật, chuyện trường chuyên lớp chọn… nếu cái gì cũng rõ như ban ngày từ đầu chí cuối thì đâu có ì xèo ở nơi nọ nơi kia.
"Người tiêu dùng thông minh" là khái niệm xa vời, bởi sự thiếu minh bạch giữa hai phía bán - mua. Những quy ước xã hội không thể giữ, đơn giản là nhân vô thập toàn, mà quá trình giám sát lại thiếu sự nhất quán.
Giải pháp tăng cường tính minh bạch là gì? Đơn giản (mà khó) là làm sao đó để tổ chức, cá nhân nếu không minh bạch thì không thể tồn tại, thăng tiến, thắng thế được. Còn, ai chịu trách nhiệm về cái sự "làm sao đó" thì Nhà nước đã phân nhiệm rồi, sở, ngành, địa phương cứ là công - thưởng, tội - phạt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.