Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần sự đồng thuận của người dân

Thiện Mỹ| 20/05/2014 06:43

(HNM) - Dự án đường sắt đô thị (tuyến Cát Linh - Hà Đông) hiện chỉ còn

Để có quỹ đất thực hiện DA, quận Hà Đông đã phải giải phóng mặt bằng (GPMB) tại nhiều khu vực ở 7 phường và đến nay đã cơ bản hoàn thành. Hiện chỉ còn "mắc" ở điểm nhà ga Thanh Xuân 3 (ga S7) thuộc địa bàn phường Văn Quán do 9 hộ chưa nhận tiền bồi thường hỗ trợ, chưa bàn giao mặt bằng.

Thắc mắc của các hộ dân


Dự án đường sắt đô thị, tuyến Cát Linh - Hà Đông, đoạn qua địa bàn quận Hà Đông có diện tích đất thu hồi 37,8ha, liên quan đến 1.198 hộ gia đình và 22 tổ chức. Riêng ga S7 tại địa bàn phường Văn Quán có diện tích thu hồi hơn 4.000m2, trong đó có 15 hộ dân và 4 tổ chức. Qua 3 đợt chi trả, đến nay mới có 10/19 hộ gia đình, tổ chức nhận tiền bồi thường hỗ trợ (BTHT), bàn giao mặt bằng. Số hộ dân chưa nhận tiền BTHT cho rằng theo quy hoạch thì DA sẽ thu hồi 6m từ vỉa hè vào đến nhà dân, nhưng thực tế lại lấy vào 12m. Mặt khác, khi thu hồi đất để thực hiện hạng mục nhà ga S7, cơ quan chức năng lại "lồng" cả việc thu hồi phần diện tích để mở rộng đường Trần Phú (đường này mới có quy hoạch nhưng chưa mở rộng trên thực tế); chưa kể, các ga S7, S9, S10 có thiết kế giống nhau nhưng không hiểu vì lý do gì ga S7 lại thu hồi nhiều hơn, sâu hơn về phía đất của các hộ dân so với ga S9, S10?

Qua tìm hiểu, được biết công tác nhận mốc giới, đo vẽ bản đồ địa chính và thu hồi đất để thực hiện các hạng mục nhà ga, trụ cầu và đường tránh quốc lộ 6 (giai đoạn 3) bắt đầu từ tháng 11-2013 và các hộ dân đã liên tục có đơn đề nghị về các nội dung nêu trên. Để giải đáp thắc mắc của các hộ, UBND quận Hà Đông đã nhiều lần tổ chức đối thoại, trả lời kiến nghị của các hộ dân. Bên cạnh đó, từ cuối năm 2013 đến nay, Ban Quản lý dự án đường sắt Việt Nam, Hội đồng BTHT& TĐC quận Hà Đông và Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã 5 lần có văn bản trả lời kiến nghị, song các hộ dân vẫn chưa đồng tình.

Ảnh: Dân trí


Hợp lý và đúng quy hoạch

Gần đây nhất, ngày 17-3-2014, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có văn bản số 952/QHKT-P7 trả lời đơn kiến nghị của 13 hộ dân có đất thu hồi để thực hiện ga S7. Theo đó, căn cứ Quyết định 1782/QĐ-UBND ngày 21-10-2006 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông) thì đường Trần Phú đoạn từ Cầu Trắng đến hết địa phận giáp ranh quận Thanh Xuân được quy hoạch mặt cắt rộng từ 53m đến 56m. Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1259 ngày 26-7-2011 thì tuyến quốc lộ 6, đoạn qua địa phận quận Hà Đông có mặt cắt ngang từ 47m đến 56m. Trong đó, đoạn từ đường Vành đai 3 (Thanh Xuân) đến Cầu Trắng (Hà Đông) - 13 hộ dân nêu trên thuộc đoạn đường này - có chiều rộng mặt cắt 56m. Khi lập quy hoạch xây dựng nhà ga S7, do chiều rộng của tuyến đường Trần Phú không bảo đảm nên phải lấy bổ sung vào đất của các hộ dân để phù hợp với quy hoạch ga và bảo đảm đúng vị trí của chỉ giới quy hoạch đường Trần Phú, không có việc kết hợp mở rộng đường Trần Phú với xây dựng ga S7. Đối với DA đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông thì tim tuyến đường sắt cơ bản đi trùng tim đường hiện có và trùng với tim tuyến đường trong quy hoạch, là cơ sở để xác định chỉ giới đường đỏ cho các đoạn, tuyến đường. Đối với ga S7, khu vực bố trí thang lên xuống của ga được xác định theo chỉ giới đường đỏ của đường Trần Phú theo quy hoạch nêu trên (mở từ tim đường sắt và tim đường quy hoạch về mỗi bên 28m) để thuận lợi cho các hành khách tiếp cận ga sau này.

Phạm vi thu hồi xây dựng ga S7 gồm: Diện tích xây nhà ga hơn 3.200m2 và diện tích đất thu hồi ngoài phạm vi xây dựng ga theo chỉ giới đường đỏ đường Trần Phú với tổng diện tích 566m2 (trong đó khu vực phía 13 hộ dân có diện tích thu hồi 390m2 dành để bố trí cầu thang lên xuống và hoàn thiện phần hè đường đi bộ theo quy hoạch). Theo lý giải của Sở Quy hoạch - Kiến trúc thì việc thu hồi đất để xây dựng ga S7 theo chỉ giới đường đỏ đường Trần Phú theo đúng quy hoạch là cần thiết nhằm bảo đảm bố trí cầu thang lên xuống nhà ga trên phần hè phố theo quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và đây là yêu cầu bắt buộc. Việc thu hồi đất như vậy sẽ bảo đảm công tác thi công xây dựng nhà ga, bảo đảm khoảng cách để khách bộ hành lưu thông trên vỉa hè, duy trì lối ra vào thuận tiện cho các công trình xây dựng hai bên và bảo đảm tính ổn định lâu dài đối với các công trình xây dựng của các tổ chức, cá nhân sau GPMB. Từ giải thích đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẳng định: "Kiến nghị của người dân về thu hẹp chiều rộng phạm vi thu hồi đất bố trí cầu thang trên cơ sở hè hiện có là không có cơ sở để thực hiện".

Như vậy, có thể khẳng định, công tác GPMB phục vụ cho DA đường sắt đô thị, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã được thực hiện bảo đảm hợp lý và theo đúng quy hoạch. Đây là DA trọng điểm quốc gia và công tác GPMB cơ bản đã được thực hiện xong, nhiều hạng mục đang được các đơn vị thi công tích cực nên sự đồng tình của các hộ dân là yếu tố cơ bản giúp DA hoàn thành tiến độ đã đề ra.

(HNM) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu UBND các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông tập trung hoàn thành GPMB dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trong tháng 5-2014, trong đó trọng điểm là ga Cát Linh, đường dẫn vào depot, di chuyển đường điện 110kV… Sở Xây dựng công khai giá nhà tái định cư trên địa bàn Thanh Xuân, Đống Đa để nhân dân lựa chọn; thống nhất hỗ trợ bằng tiền một phần chênh lệch giữa giá nhà tái định cư với giá nhà ở bình quân, hỗ trợ tạm cư cho trường hợp chưa có quỹ nhà tái định cư. UBND các quận giải quyết khiếu nại của các hộ dân, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chây ỳ, chống đối. Thành phố đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo bố trí đủ kinh phí phục vụ GPMB (hiện còn thiếu khoảng 400 tỷ đồng); yêu cầu chủ đầu tư thi công ngay hoặc lập hàng rào bảo vệ khu vực đã có mặt bằng, chống tái lấn chiếm.

Y Linh

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần sự đồng thuận của người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.