Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần sự điều chỉnh phù hợp

Hà Hiền| 29/11/2017 07:19

(HNM) - Hiện nay, lực lượng thanh niên, thiếu niên chiếm khoảng 25% dân số, nhiều nhất từ trước đến nay và điều đó tạo ra cho đất nước cơ hội vàng để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, lực lượng này đang phải đối mặt với thách thức về cơ hội việc làm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe…

Tư vấn việc làm cho thanh niên tại Hội chợ việc làm quận Long Biên. Ảnh: Thái Hiền


Thách thức hiện hữu

Theo báo cáo tổng quan về chính sách phúc lợi dành cho thanh niên Việt Nam do Bộ Nội vụ và Trung tâm Phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố, lực lượng thanh niên, thiếu niên ở nước ta đang chiếm khoảng 25% dân số, tương đương với hơn 20 triệu người, cao nhất từ trước đến nay. Giới trẻ ngày nay khỏe mạnh, có trình độ học vấn cao hơn, có điều kiện phát triển tốt hơn nhiều so với các thế hệ trước. Bởi thế, nước ta đang có cơ hội vàng về nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy vậy, báo cáo cũng chỉ rõ, thanh niên, thiếu niên Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức về giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khỏe… Cụ thể là, 9% số người từ 15 đến 17 tuổi, 8% số người từ 18 đến 29 tuổi bị thiếu hụt ít nhất hai khía cạnh phúc lợi cùng một lúc, đặc biệt là về giáo dục và việc làm. Ước tính, 75% lao động trẻ làm việc trong khu vực phi chính thức không được tham gia bảo hiểm xã hội dưới bất kỳ hình thức nào và gần một nửa trong số họ không có kết giao hợp đồng lao động bằng văn bản.

Về giáo dục, nước ta cơ bản đã phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, nhưng từ cấp trung học phổ thông trở lên thì tỷ lệ nhập học giảm dần. Nếu như tỷ lệ bỏ học ở cấp trung học cơ sở duy trì ở mức khoảng 10% trong nhiều năm thì đến cuối cấp trung học phổ thông, tỷ lệ này lên tới 39%. Sự không tương thích giữa kỹ năng được đào tạo với yêu cầu tuyển dụng lao động cũng khiến hơn 40% thanh niên phải làm công việc không phù hợp với trình độ của họ. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở mức hơn 7%, tương đương với hơn 500.000 người.

Đáng lo ngại không kém là tỷ lệ thanh niên, thiếu niên lạm dụng ma túy, sử dụng rượu, bia đang có sự gia tăng. Ước tính, số thanh niên, thiếu niên lạm dụng ma túy hiện nay tăng gấp 3 lần so với những năm cuối của thế kỷ XX. Trong số người nghiện ma túy, số người dưới 30 tuổi chiếm tới 70%. Số người từng sử dụng rượu, bia ở độ tuổi từ 14 đến 17 chiếm tới 34% và tỷ lệ này tăng lên 57% ở số thanh niên từ 18 đến 21 tuổi, cao nhất trong các nước ASEAN. Tình trạng sử dụng rượu, bia là nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông và nhiều bệnh tật khác trong nhóm nam thanh niên. Vấn đề đáng quan tâm nữa là tỷ lệ nạo, phá thai của nữ thanh niên vẫn ở mức báo động với 8,4% phụ nữ từ 15 đến 24 tuổi từng phá thai…

Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, kết quả nghiên cứu đã phản ánh rõ nét những thách thức hiện hữu đối với thanh niên, thiếu niên Việt Nam, nếu vấn đề này không được giải quyết sớm thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chính sách cần cởi mở hơn với lao động trẻ

Trên thực tế, nước ta đã triển khai thực hiện nhiều chính sách đối với thanh niên, thiếu niên. Điển hình là Luật Thanh niên, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và nhiều cơ chế, chính sách khác về y tế, giáo dục, việc làm. “Thanh niên, thiếu niên Việt Nam đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm, song không thể phủ nhận rằng một số chính sách phúc lợi dành cho thanh niên cần được cải cách, điều chỉnh”, ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) khẳng định.

Để lực lượng thanh niên, thiếu niên phát huy vai trò xung kích, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, các chính sách về lao động, việc làm, an sinh xã hội cần cởi mở hơn đối với lao động trẻ, tạo điều kiện cho số đông có cơ hội tham gia và thụ hưởng. Đồng tình với quan điểm này, bà Naoko Ueda, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển OECD lưu ý các cơ quan chức năng cần đưa ra giải pháp chấm dứt tình trạng thanh niên, thiếu niên bỏ học. Hệ thống trường đại học, cao đẳng nên cải tiến chương trình giảng dạy nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, thanh niên, thiếu niên cần được tư vấn nghề nghiệp từ sớm, có thể bắt đầu từ cấp tiểu học...

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, giới trẻ cần được tạo điều kiện để tiếp cận với dịch vụ y tế thân thiện, góp phần nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản, giảm tỷ lệ nạo, phá thai. Chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản, tình dục nên được đưa vào giảng dạy trong trường học. Theo bà Phan Thị Lê Mai, chuyên gia cao cấp Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam: “Hiện nay, chương trình, phương tiện tránh thai cho thanh niên chưa lập gia đình bị bỏ ngỏ, trong khi độ tuổi quan hệ tình dục ngày một trẻ, quan hệ tình dục trước hôn nhân ngày càng nhiều. Nhà nước nên dành kinh phí để thực hiện chương trình quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục cho lực lượng này”.

Những vấn đề nêu trên cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, việc điều chỉnh một số chính sách phúc lợi dành cho thanh niên, thiếu niên là hết sức cần thiết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần sự điều chỉnh phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.