(HNM) - Nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp rất lớn, nhưng nguồn vốn ngân sách hạn chế, trong khi doanh nghiệp không mấy mặn mà. Vì vậy, sau 1 năm thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, số lượng dự án đăng ký nhiều, song số dự án khởi công không mấy.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Phát triển thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nghị quyết và các quyết định ban hành cơ chế khuyến khích phát triển loại hình nhà ở này. Hơn một năm qua, cả nước đã có tới 263 dự án nhà ở thu nhập thấp đăng ký triển khai với tổng mức đầu tư khoảng 72.710 tỷ đồng, tương đương 205.380 căn hộ dự kiến. Trong đó vốn đối ứng của địa phương khoảng 2.958 tỷ đồng, vốn huy động từ các thành phần kinh tế khoảng 69.752 tỷ đồng... Tuy nhiên, số dự án đăng ký nhiều nhưng số khởi công đạt thấp. Quỹ nhà "trông thấy" lại càng ít hơn.
Nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu đô thị Việt Hưng. |
Thừa nhận Hà Nội vẫn thiếu nhà ở nghiêm trọng, nhất là đối với người nghèo, người thu nhập thấp, công chức, viên chức, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lý giải, vốn ngân sách để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn hạn chế, trong khi cơ chế, chính sách chưa thực sự hấp dẫn nên các doanh nghiệp không mấy mặn mà xây dựng nhà ở xã hội. Các khu nhà ở được đầu tư xây dựng vẫn chủ yếu là nhà ở thương mại với giá cao nhằm thu lợi nhuận lớn nên những người có thu nhập thấp không thể tiếp cận. Tại Hà Nội, phải tới giữa quý IV-2010, mới có 800 căn hộ nhà ở xã hội được xây dựng thí điểm bằng vốn ngân sách được bàn giao. Vì thế, chuyện ai được hưởng những căn hộ đầu tiên này đã nóng lên, được rất nhiều người quan tâm.
Nhà có tới đúng đối tượng?
Theo ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội), khâu xét duyệt đối tượng mua, thuê nhà ở xã hội phải bảo đảm công khai, minh bạch. Người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội phải làm đơn, có ý kiến của cơ quan, đơn vị đang làm việc xác nhận về số người trong hộ gia đình, về mức thu nhập và điều kiện nhà ở hiện có. Nếu là hộ gia đình, phải có xác nhận của cơ quan, đơn vị công tác của từng thành viên trong hộ đó và xác nhận của UBND xã, phường nơi đang sinh sống. Đơn đề nghị thuê, thuê mua nhà gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét. Sau đó, căn cứ quỹ nhà hiện có, UBND TP sẽ phê duyệt danh sách người được thuê, thuê mua. Mặc dù được cho là khá chặt chẽ song ông Đạm cũng nhìn nhận, việc xác định diện tích ở của các đối tượng có nhu cầu về nhà ở là một vấn đề khó vì cơ sở dữ liệu quản lý bất động sản hiện nay hầu như chưa có. Ở Hà Nội, số lượng cơ quan TƯ đóng trên địa bàn rất lớn (chiếm 50% tổng số lượng CBCNV) nên để xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở và phân phối quỹ nhà này đúng đối tượng cần sự phối hợp giữa Hà Nội và các cơ quan này.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam xác nhận, trong điều kiện cung cầu đang chênh lệch, lo ngại về thiếu công bằng, minh bạch trong xét duyệt đối tượng mua nhà là có. Nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp rất lớn tạo sức ép cho việc xét duyệt đối tượng được hưởng. Sẽ xuất hiện hiện tượng "xin, cho" hoặc đối tượng không đủ điều kiện vẫn mua được nhà trong khi những người thực sự khó khăn lại không mua được. Để hạn chế tình trạng này, Bộ Xây dựng đã có thông tư hướng dẫn khá cụ thể về đối tượng và điều kiện xét duyệt, đòi hỏi có xác nhận của cơ quan làm việc, chính quyền địa phương rồi chấm điểm. Sắp tới, khi Hà Nội đưa 800 căn nhà ở xã hội vào phân phối, diện đối tượng cũng như điều kiện càng cụ thể hơn. "Để phát hiện có tiêu cực hay không, ngoài cơ quan chức năng, còn có sự giám sát, kiểm tra của cộng đồng, chính quyền, báo chí..." - ông Nam đề nghị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.