Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần sự chia sẻ của xã hội

Võ Lâm| 07/02/2012 06:18

(HNM) - Chiều qua 6-2, dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã nghe báo cáo, thảo luận và cho ý kiến chỉ đạo xử lý một số vấn đề phát sinh trong việc thực hiện điều chỉnh giờ học, làm việc, kinh doanh trên địa bàn Hà Nội.


Điểm nổi bật là TP đã thống nhất chỉnh thời gian tan học ca chiều khối học sinh THPT thành 18h thay vì 19h như quy định hiện tại. Lãnh đạo TP cũng lưu ý ngành giáo dục cần phải hướng dẫn cụ thể hơn cho các trường, tránh để xảy ra tình trạng máy móc trong thực thi, làm nảy sinh những bất cập không đáng có.


Các giải pháp đồng bộ về giao thông đô thị sẽ đẩy lùi nạn tắc đường.
Ảnh: Như ý

Thừa hành còn cứng nhắc

Tính đến ngày 6-2, việc điều chỉnh giờ học, giờ làm, giờ kinh doanh trên địa bàn TP đã bước sang ngày thứ 6 thực hiện. Sở GTVT khẳng định, tình hình giao thông giờ cao điểm đã có dấu hiệu được giảm tải, lưu thông êm thuận và dễ dàng hơn. Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Xuân Tân cho biết, cần phải đợi sau ngày 15-2 tới đây, khi tất cả các trường ĐH, CĐ hoạt động trở lại mới đủ điều kiện kiểm chứng hiệu quả của việc điều chỉnh lần này một cách chính xác hơn, nhưng hiệu quả bước đầu đã có thể nhìn thấy. Ông cho rằng, sở dĩ dư luận ồn ào nhiều ý kiến trái chiều, vì những người đồng tình với việc điều chỉnh lại ít lên tiếng, báo chí cũng chưa phản ánh đầy đủ.

Điểm nổi bật khiến dư luận chưa đồng tình là giờ tan học ca chiều của khối THPT từ 19h là quá muộn, có ảnh hưởng tiêu cực đối với một số học sinh khối này. Ngoài ra, theo Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, ở khối THCS, theo quy định hiện nay ca sáng bắt đầu từ 8h, ca chiều tan lúc 17h, nên khi cả hai ca đều học 5 tiết thì khoảng thời gian giữa hai ca chỉ có nửa giờ, gây khó khăn cho cả học sinh và giáo viên. Ở các trường mầm non, theo quy định đổi giờ này, các thầy, cô giáo phải làm thêm 30 phút/ngày, nhưng các trường chưa có phương án hỗ trợ kinh phí. Một điểm hết sức đáng chú ý được phản ánh từ các đoàn kiểm tra của Sở GD-ĐT là các trường quá cứng nhắc trong việc thực hiện. Ở nhiều trường hoàn thành việc học xong từ 15-16h nhưng vẫn bắt học sinh và phụ huynh phải đợi đúng đến 17h mới được về. Chuyện này cũng xảy ra đối với một số cấp học khác, trong đó có một số trường THPT.

Tổng hợp ý kiến từ nhiều nguồn khác nhau, Chánh Văn phòng Thành ủy Đào Đức Toàn bày tỏ đồng tình rằng, việc triển khai điều chỉnh giờ học, giờ làm có góp phần vào giảm ùn tắc. Tuy nhiên, theo ông Toàn: "Trường học 3 tiết buổi chiều mà bắt học sinh phải ngồi thêm 2 tiết nữa mới được về thì quá máy móc. Tinh thần của việc điều chỉnh là giảm ùn tắc, việc gì góp phần giảm ùn tắc thì đều có thể làm được. Cho học sinh về sớm trước giờ cao điểm sẽ giảm ùn tắc, tại sao các trường lại cứng nhắc như vậy".

Cho rằng thời điểm kiểm chứng tác dụng của việc điều chỉnh giờ học, giờ làm chưa điển hình, nên chưa thể đánh giá được tốt hay không tốt, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, TP cần chỉ đạo, giám sát thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là cấm taxi, không thu gom rác giờ cao điểm, cấm bán hàng rong… Chủ tịch HĐND TP dẫn chứng: Thực tế những tuyến đường trong danh mục cấm taxi như Thái Hà, Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh, taxi vẫn hoạt động giờ cao điểm; việc thu gom rác giờ cao điểm vẫn thường xuyên diễn ra ở các nút giao thông trọng điểm. Hay cứ khoảng 17h là hàng rong bày la liệt ở trước cổng Công viên Indira Gandhi, đặc biệt là những khu vực giáp ranh giữa các quận... "Những vấn đề này trong tầm tay, quy định của luật không ảnh hưởng đến số đông người phải được thực hiện nghiêm" - Chủ tịch nhấn mạnh.

Không phải biện pháp duy nhất

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho biết, về tính hiệu quả, không chỉ các cấp, ngành của TP Hà Nội có những đánh giá tích cực bước đầu, mà Thủ tướng, các bộ, ngành TƯ cũng có nhận xét tương tự. Theo Chủ tịch, trong những ngày triển khai việc thay đổi giờ học, giờ làm, cá nhân ông có nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của học sinh và phụ huynh. Họ chỉ thắc mắc là giờ tan học của học sinh THPT là muộn quá.



Nhấn mạnh những hiện tượng như học xong sớm nhưng bắt phải đợi đến đúng giờ quy định mới cho học sinh về là việc thực hiện máy móc, không đúng tinh thần của TP, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo khẳng định: "Các trường thực hiện quá máy móc và hướng dẫn của sở, ngành liên quan cũng chưa rõ ràng. Cho các cháu tan trước 17h càng tốt chứ." Chủ tịch UBND TP yêu cầu ngành GD-ĐT và GTVT phải họp thống nhất ngay hướng dẫn các trường thực hiện, không để tái diễn những hiện tượng tương tự. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần chủ động hướng dẫn các trường điều chỉnh lịch học linh hoạt, phù hợp, không ảnh hưởng tiêu cực đến việc dạy học của giáo viên. Chủ tịch UBND TP cũng đồng tình với những phản ánh của Chủ tịch HĐND TP và khẳng định sẽ chỉ đạo các ngành thực hiện nghiêm các quy định; đồng thời cho biết, TP sẽ dứt khoát cấm xe tải từ 1 tấn trở lên trong khung giờ 6h đến 21h hằng ngày, vì việc này có tác dụng trông thấy.

Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, việc điều chỉnh giờ học, giờ làm, giờ kinh doanh làm thay đổi thói quen của người dân nên không tránh khỏi những ảnh hưởng, những phản ứng. Nhưng TP luôn làm việc trên tinh thần cầu thị, luôn lắng nghe phản hồi từ dư luận nhân dân để có điều chỉnh phù hợp nhất, hạn chế những vấn đề phát sinh.

Khẳng định đây chỉ là một trong nhiều biện pháp mà TP đang triển khai thực hiện nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, Bí thư Thành ủy cho rằng, không nên đặt quá nhiều kỳ vọng để khi không đạt được kỳ vọng lại đánh giá biện pháp này thất bại là không đúng. Bí thư Thành ủy yêu cầu UBND TP chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai đồng bộ, rốt ráo các biện pháp như Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh đã phản ánh; cũng như các biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân, quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có đường sắt đô thị, đường trên cao… đặc biệt là kiểm soát không để có thêm nhà cao tầng trong khu vực trung tâm.

Đồng ý và giao cho Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo xem xét điều chỉnh thời gian tan học của cấp THPT 1 giờ (tức là từ 19h thành 18h hằng ngày), Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị yêu cầu, trong quá trình thực hiện cần phải kêu gọi sự hưởng ứng và chia sẻ của xã hội, vì dù bằng phương án nào cũng sẽ làm thay đổi thói quen cũ, nên khó tránh khỏi những ảnh hưởng. Bí thư Thành ủy cũng lưu ý các ngành, các cấp thực thi phải chủ động cung cấp thông tin đầy đủ cho báo chí, tránh để thông tin phiến diện, không có tính xây dựng.

Tình trạng ùn tắc trong giờ cao điểm sáng đã giảm hẳn
- Ngày 6-2, Sở GTVT đã tổ chức sơ kết 6 ngày thực hiện phương án đổi giờ học, làm việc ở thành phố. Các đại biểu đều đánh giá, giao thông tại một số tuyến phố thường xuyên ùn tắc đã chuyển biến tích cực, đặc biệt trong thời gian cao điểm sáng.

Tình trạng phải chờ 10-15 phút và hơn nữa mới qua được ngã tư không còn. Đại diện CA các quận, huyện Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Từ Liêm... đều có chung nhận định, tình hình giao thông ở địa bàn đã chuyển biến tích cực. Đại diện Phòng CSGT Hà Nội cho biết thêm, buổi sáng, trưa, tình hình giao thông thuận lợi, giảm ùn ứ, nhưng cuối giờ chiều, có một số điểm ùn ứ, tập trung tại khu vực cổng các trường tiểu học và THCS. Để khắc phục tình trạng đó, bên cạnh tăng cường lực lượng, đại diện Phòng CSGT kiến nghị Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường bố trí thời gian tan học theo từng khu vực, từng cấp học.

* Trong buổi họp báo tại Bộ GTVT chiều cùng ngày, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng cho biết, dự kiến vào ngày 10-2, các cơ quan chức năng của Bộ sẽ làm việc với Hà Nội về các giải pháp nhằm giảm ùn tắc như phân làn, đổi giờ học, làm việc.

Nguyễn Đức
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần sự chia sẻ của xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.