Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách kêu gọi xã hội hóa công tác xử lý rác thải

Nguyệt Minh - Tài Tiến| 26/01/2014 05:58

(HNM) - Những năm gần đây, nhất là sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã quan tâm đầu tư triển khai nhiều dự án trong lĩnh vực môi trường, đồng thời đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác thu gom, xử lý rác thải.



Tuy nhiên, theo đánh giá của HĐND thành phố qua đợt giám sát mới diễn ra về tình hình thực hiện chủ trương xã hội hóa, nhìn chung việc thu gom rác thải được thực hiện khá tốt, song công tác xử lý rác thải đang gặp nhiều khó khăn. Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với ông Phạm Thiện Tài - Chủ nhiệm HTX Thành Công nhằm làm rõ nguyên nhân của những vướng mắc cần tháo gỡ.

Ông Phạm Thiện Tài.


Vạn sự khởi đầu nan

- Từ trước đến nay, lĩnh vực vệ sinh môi trường ít được các DN tư nhân quan tâm mà chủ yếu là do DN nhà nước đảm nhận. Được biết, đầu tư ban đầu cho lĩnh vực này khá lớn nhưng lợi nhuận thu về không cao. Vậy lý do gì khiến ông quyết định rót vốn đầu tư?

- Khi đi khảo sát tình hình thu gom, vận chuyển rác thải ở một số phường trong khu vực nội thành Hà Nội những năm trước đây và sau này là các huyện ngoại thành, tôi thực sự ái ngại và lo lắng cho vấn đề môi trường. Mặc dù lượng rác thải hằng ngày ở nội thành cơ bản đã được thu gom, nhưng do ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế nên đi đến đâu cũng thấy rác thải vương vãi, gây ô nhiễm, mất mỹ quan. Còn với các huyện ngoại thành, mọi bãi đất trống, bờ mương, ao chuôm… đều bị biến thành bãi chứa rác, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Do đó, chúng tôi đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực này.

- Người ta đã đúc kết, vinh quang thường dành cho những người dám nghĩ, dám làm. Là đơn vị đi đầu trong công tác xã hội hóa lĩnh vực vệ sinh môi trường của thành phố, ông thấy nhận định đó có đúng không?

- Thú thật, tôi biết việc lao vào lĩnh vực này là mạo hiểm, khó khăn khi thành phố chưa có cơ chế, chính sách hoàn chỉnh trong xã hội hóa công tác đầu tư. Bên cạnh đó, mình lại không có người “chung lưng đấu cật” vì chúng tôi là đơn vị đầu tiên của Hà Nội thực hiện xã hội hóa công việc này.

- Vậy nhưng HTX Thành Công từ khi thành lập tới nay đã 14 năm, từ chỗ DN chỉ có gần chục lao động đến nay đã có trên 1.500 người làm công việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải với hệ thống máy móc, trang thiết bị liên tục được đầu tư, tăng cường. Thực tế DN phải đối mặt với những khó khăn gì?

- Chúng tôi chính thức thành lập năm 2000. Song, do cơ chế, chính sách chậm ban hành nên đến năm 2002 HTX mới được thành phố chính thức cho phép triển khai thí điểm thực hiện xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển rác thải ở phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân). Rồi cuối năm 2002 thành phố đã giao thêm cho HTX thu gom, vận chuyển rác ở phường Văn Chương (quận Đống Đa) và xã Trung Văn (huyện Từ Liêm). Đến năm 2009-2010, khi công tác xã hội hóa lĩnh vực vệ sinh môi trường do HTX đảm nhận thực sự đạt hiệu quả, góp phần giảm gánh nặng ngân sách chi vào lĩnh vực này, UBND thành phố tiếp tục cho phép chúng tôi triển khai việc thu gom, vận chuyển rác thải ở toàn bộ địa bàn 5 quận, huyện gồm Thanh Xuân, Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất.

Để doanh nghiệp đầu tư “ra tấm ra món”

- Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để khắc phục tình trạng không còn chỗ đổ rác thải khi các khu xử lý rác trên địa bàn đều trong tình trạng quá tải, việc triển khai một số dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải và ô chôn lấp rác hợp vệ sinh của thành phố và một số huyện đều chậm tiến độ… HTX Thành Công đã mạnh dạn đầu tư 100% vốn xây dựng Nhà máy Xử lý rác thải và sản xuất tái tạo nguyên liệu Xuân Sơn. Ông có thể cho biết vài thông tin về dự án này?

- Xét thấy việc xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt hiện nay đã dần khẳng định được tính ưu việt so với công nghệ chôn lấp (chi phí xử lý giảm, hạn chế được ô nhiễm môi trường thứ phát), được UBND thành phố chấp thuận, chúng tôi đã quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy Xử lý rác thải và sản xuất tái tạo nguyên liệu Xuân Sơn với tổng mức đầu tư khoảng 70 tỷ đồng. Hơn một năm khẩn trương triển khai, đến nay dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 (gồm hai lò đốt số 1 và số 2) và đưa vào hoạt động chính thức từ tháng 8-2013 với công suất 125-150 tấn/ngày. Hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 của dự án (gồm hai lò đốt còn lại), dự kiến hoàn thành trong năm 2014, nâng công suất đốt lên 250 tấn rác thải/ngày.

- Theo chúng tôi được biết, hiện đang có những vướng mắc khiến dự án chưa thể hoạt động trôi chảy, suôn sẻ. Cụ thể là như thế nào, thưa ông?

- Kể từ khi 2 lò đốt của nhà máy đi vào hoạt động, đến nay chúng tôi vẫn chưa được UBND thành phố thanh toán kinh phí cho việc xử lý rác thải, trong khi đó hằng tháng đơn vị vẫn phải chi lương cùng các chi phí khác phục vụ công tác xử lý rác thải tại nhà máy. Ngoài ra chúng tôi còn phải trả lãi cho nguồn vốn đã vay để đầu tư vào dự án khoảng 30 triệu/ngày nên hiện tại DN rất khó khăn.

- Vì sao lại có chuyện chậm trễ như vậy, thưa ông?

- Tôi luôn quan niệm đã đầu tư phải “ra tấm ra món” chứ không nên đầu tư theo kiểu nhỏ giọt. Vì vậy, khi được UBND thành phố chấp thuận, chúng tôi không ngần ngại huy động mọi nguồn vốn của DN và vay vốn từ quỹ môi trường của Trung ương và Hà Nội để đầu tư xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, như đã nói, do việc ban hành chính sách khuyến khích kêu gọi xã hội hóa công tác xử lý rác thải, việc định hướng công nghệ và tiêu chuẩn xử lý rác thải trên địa bàn Hà Nội còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa rõ ràng nên chúng tôi mới bị “mắc”. Cụ thể, sau nhiều lần HTX có văn bản đề nghị, đến nay UBND thành phố vẫn chưa ban hành đơn giá xử lý rác thải bằng công nghệ đốt chung trên địa bàn thành phố nên chưa có cơ sở để thanh toán khối lượng cho DN chúng tôi. Nguyên nhân chính mà thành phố chưa ban hành đơn giá là do HTX chúng tôi chưa hoàn thành việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và phương án giá.

- Đề nghị ông cho biết cụ thể về việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật?

- Việc này thật khó diễn giải, nhưng hiểu nôm na theo hướng dẫn của các sở, ngành là phương án giá phải được xây dựng trên cơ sở thực tế máy móc, trang thiết bị được đầu tư tại nhà máy. Tôi cũng xin nói rõ, trong số 3 nhà máy xử lý rác theo công nghệ đốt trên địa bàn Hà Nội hiện nay (của HTX Thành Công, Công ty cổ phần Môi trường đô thị Thăng Long và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội quản lý, vận hành) thì chi phí xây dựng của nhà máy của DN chúng tôi đầu tư ít vốn nhất, nhưng công suất và sản phẩm đầu ra tương đương với các nhà máy khác; khí thải, nước thải phát sinh đều bảo đảm các tiêu chuẩn cho phép và được các cơ quan chức năng xác nhận. Vậy mà chúng tôi lại được ban hành mức giá thấp hơn so với DN đốt cùng công nghệ. Hiện tại, Nhà máy Xử lý chất thải Sơn Tây do Công ty cổ phần Môi trường đô thị Thăng Long quản lý cũng xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt như chúng tôi nhưng lại được áp dụng đơn giá 376.688 đồng/tấn. Trong khi đó DN chúng tôi vẫn chỉ được các sở, ngành đề xuất tạm áp dụng mức giá gần 264.000 đồng/tấn. Lý do là vì HTX Thành Công chưa hoàn thành việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và phương án giá. Trong khi đó, Quyết định số 322/QĐ-BXD ngày 6-4-2012 của Bộ Xây dựng quy định mức chi phí xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt (công suất 50-300 tấn/ngày) là từ 320.000 đến 410.000 đồng/tấn. Xin nói thêm, trước khi đầu tư dự án, chúng tôi đã nhiều lần cử cán bộ, kỹ sư sang các nước như Anh, Đức, Thụy Sỹ, Nhật Bản, Trung Quốc để học hỏi kinh nghiệm xử lý rác thải. Vậy, kinh phí chi cho việc đó có được tính vào tiền đầu tư dự án? Không lẽ cứ phải đầu tư nhiều tiền vào dự án mới nhận được mức giá cao?

- Theo ông, việc xây dựng đơn giá xử lý rác thải theo công nghệ đốt nên thực hiện theo phương thức nào là hợp lý và bảo đảm công bằng?

- Tôi chỉ quan tâm đến hiệu quả của công nghệ đốt và chất lượng đầu ra sản phẩm, chứ không quan tâm đến việc mua công nghệ đó hết bao nhiêu tiền để làm căn cứ xây dựng giá. Ví dụ, để nấu một nồi cơm, chúng ta có thể sử dụng nhiều loại chất đốt. Song mục đích cuối cùng là cơm được nấu ra có ngon hay không chứ ai quan tâm đến nấu cơm bằng chất đốt gì để tính tiền? Chẳng lẽ bát cơm nấu bằng ga, điện lại bán đắt hơn bát cơm nấu bằng củi vì rõ ràng chi phí nấu cơm bằng điện, ga sẽ cao hơn nấu bằng củi rất nhiều. Nếu tính theo hướng dẫn của các sở, ngành, muốn được thanh toán với đơn giá xử lý cao, DN chỉ việc khai tăng suất đầu tư lên là được. Do vậy, nếu chỉ căn cứ vào suất đầu tư để xây dựng đơn giá là bất hợp lý, thiếu công bằng và sẽ tạo kẽ hở để các DN “lách luật”.

Vướng mắc cần tháo gỡ

- Được biết, do việc phân luồng rác thải sinh hoạt cho các quận, huyện đưa đi xử lý ở các khu xử lý trên địa bàn còn hạn chế nên hiện tại ở hầu hết các huyện ngoại thành Hà Nội đều có lượng rác tồn đọng với khối lượng tương đối lớn, đặc biệt là các huyện như Chương Mỹ, Quốc Oai, Thanh Oai, Phú Xuyên… Là DN đi đầu thực hiện xã hội hóa công tác vệ sinh môi trường, ông có giải pháp gì khắc phục tình trạng trên?

- Tôi chỉ nói riêng về 5 quận, huyện HTX Thành Công đang đảm nhận việc thu gom, vận chuyển. Hiện tại, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày trên địa bàn 5 quận, huyện là khoảng 700 tấn. Tuy nhiên, do việc phân luồng nên lượng rác thải được vận chuyển đi xử lý chỉ đạt hơn 600 tấn, lượng còn lại đang tồn đọng ở các huyện, trong đó tập trung ở Thạch Thất khoảng 30 tấn/ngày, Hoài Đức và Đan Phượng mỗi huyện tồn 10 tấn/ngày. Để có thể khắc phục tình trạng rác thải còn tồn đọng ở các địa phương, đã và đang gây ô nhiễm môi trường, DN chúng tôi dự kiến sẽ xây dựng một hố chôn lấp rác thải tại xã Tản Lĩnh (Ba Vì) với diện tích 10ha, sức chứa 400 tấn/ngày. Ngoài ra, chúng tôi đang hoàn tất các thủ tục để xây dựng thêm một nhà máy xử lý rác thải ở xã Lại Thượng (Thạch Thất). Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án trên, HTX chúng tôi sẽ chủ động trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn 5 quận, huyện đang đảm nhận, ngoài ra sẽ hỗ trợ các đơn vị bạn trong công tác xử lý rác thải. Trước đó, được sự chấp thuận của UBND thành phố, HTX chúng tôi đã ứng vốn thi công ô chôn lấp rác thải khẩn cấp của thành phố, quy mô 3ha tại Khu liên hiệp xử lý rác thải Xuân Sơn (Sơn Tây).

- Vậy điều ông trăn trở nhất hiện nay là gì?

- Tôi chỉ xin nêu một vài khó khăn mà thực tiễn hoạt động của DN tôi rút ra và cũng chính là hạn chế, thiếu sót mà HĐND thành phố đã đánh giá qua đợt giám sát mới đây về tình hình thực hiện đầu tư, vận hành và thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn thành phố. Thứ nhất là việc quy hoạch, xác định điểm tập kết rác, tập kết xe gom, xe vận chuyển rác chưa được chính quyền các cấp quan tâm, dẫn đến việc tập kết tự phát, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường. Thứ hai, rác thải khu vực nông thôn còn nhiều tạp chất (30-40% là đất đá, gạch, vỏ chai, lọ…), việc phân loại rác tại nguồn hầu như chưa được thực hiện. Thứ ba là việc định hướng công nghệ và tiêu chuẩn xử lý rác thải; việc ban hành chính sách khuyến khích kêu gọi xã hội hóa công tác xử lý rác thải thực hiện chậm, thiếu đồng bộ, chưa rõ ràng gây khó khăn cho hoạt động của các DN tham gia xã hội hóa. Ngoài ra, đến nay thành phố chưa ban hành tiêu chuẩn chất lượng môi trường cho một số công nghệ xử lý rác bằng phương pháp công nghiệp; chưa có quy trình, định mức và phương pháp xây dựng đơn giá cho công tác xử lý rác thải và chưa lựa chọn được đơn giá trung bình của từng loại công nghệ gắn với tiêu chuẩn đầu ra nên vừa không tạo được thuận lợi trong kêu gọi xã hội hóa, vừa gây khó khăn cho các DN khi tham gia xã hội hóa…

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách kêu gọi xã hội hóa công tác xử lý rác thải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.