(HNM) - Trên nhiều tuyến quốc lộ hiện tồn tại không ít trạm thu phí bị bỏ hoang. Đó là trạm thu phí trên quốc lộ 2 tại tỉnh Vĩnh Phúc phục vụ hoàn vốn cho dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên, đã dừng thu phí từ tháng 10-2020; trạm thu phí Tào Xuyên trên quốc lộ 1A đoạn thuộc địa phận huyện Bỉm Sơn (tỉnh Thanh Hóa); trạm thu phí BOT Cầu Rác trên quốc lộ 1A đoạn thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh). Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có tới 3 trạm, còn ngay tại cửa ngõ thành phố Hồ Chí Minh cũng có trạm BOT cầu Bình Triệu 2 đã bỏ hoang 5 năm nay...
Điểm chung của các trạm này là sau khi hết thời gian thu phí, chủ đầu tư rút đi nhưng lại “quên” không tháo dỡ cơ sở vật chất. Công tác duy tu, duy trì không được thực hiện, điện chiếu sáng bị cắt khiến cho các trạm này trở thành nỗi ám ảnh đối với người tham gia giao thông, đặc biệt là vào đêm tối. Thực tế, không ít vụ tai nạn chết người đã xảy ra.
Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các trạm thu phí nói trên nằm trong diện đang chờ xác lập quyền sở hữu toàn dân song thủ tục này hiện còn gặp nhiều vướng mắc. Vấn đề đặt ra là trong khi chưa xong thủ tục xác lập thì không có cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước bố trí vốn ngân sách thực hiện công tác bảo trì hoặc tiến hành tháo dỡ.
Việc tháo dỡ các trạm thu phí bỏ hoang để bảo đảm an toàn giao thông là vấn đề cấp bách. Các cơ quan chức năng cần sớm sửa đổi, bổ sung quy định để xử lý những tồn tại này, tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Với các trạm đã và đang triển khai, cần có quy định ràng buộc trách nhiệm để chủ đầu tư thực hiện việc phá dỡ triệt để khi không sử dụng nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.