(HNM) - Khởi công từ tháng 12-2010 và dự kiến hoàn thành trong năm 2011, thế nhưng đến nay, đường Trung Kính (đoạn chạy qua địa bàn phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) vẫn trong tình trạng dang dở.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngày 2-12-2009, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6290/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến đường 2,5 giai đoạn I (hay còn gọi là đường Trung Kính, đoạn từ cuối tuyến đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài đến đầu phố Trung Kính). Tuyến đường dài 1.150m, được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường phố chính thứ yếu. Đường có chiều rộng 40m, gồm hai làn đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước mưa, nước thải, chiếu sáng đồng bộ, với tổng mức đầu tư (khái toán) hơn 300 triệu đồng. Ngày 15-3-2010, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 1174/QĐ-UBND, thu hồi 45.694m2 đất tại phường Yên Hòa và phường Trung Hòa để giao cho UBND quận Cầu Giấy thực hiện.
Đường xuống cấp nghiêm trọng vì vướng mắc trong GPMB. |
Ngày 9-12-2010, tuyến đường chính thức được khởi công xây dựng. Đến thời điểm này, vẫn còn hơn 200m đường trong tình trạng dang dở, do vướng khâu giải phóng mặt bằng (GPMB). Có mặt tại đường Trung Kính, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, đoạn đường dang dở kéo dài từ đoạn trước cổng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN-PTNT) qua cổng Trường Đại học Phương Đông đến cổng khu tập thể Bộ Công an. Tại đây vẫn còn một dãy nhà lụp xụp chưa GPMB được, trở thành nút thắt cổ chai, khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Do mặt đường cũ, chưa được nâng cấp, cải tạo đã bị xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện các "ổ trâu, ổ bò" và nhiều hố sâu nguy hiểm. Trời mưa, mặt đường trở thành những vũng bùn lầy lội, gây khó khăn cho người đi đường. Trong khi đó, đường Trung Kính khớp nối từ đường Trần Duy Hưng, qua Khu đô thị Yên Hòa, nối ra Big C, đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài, chạy qua Trường Đại học Phương Đông, Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội, Trường THCS Yên Hòa… hằng ngày có rất đông người và phương tiện qua lại. Ông Nguyễn Văn Toán, Tổ phó tổ dân phố 51, phường Yên Hòa bức xúc: Người dân đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương, mong muốn được đẩy nhanh quá trình GPMB, hoàn thành dự án để chống ùn tắc, chống úng ngập, nhưng vẫn không được quan tâm… Liên quan đến GPMB, ông Lưu Toàn Thắng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án (BQLDA) quận Cầu Giấy cho biết: Trong tổng số 188 phương án nằm trong diện giải tỏa để làm đường, đã có 147 phương án hoàn thành xong công tác đền bù, GPMB. Hiện còn 39 phương án đã được phê duyệt hỗ trợ, đền bù nhưng chưa nhận tiền, bàn giao mặt bằng, hai phương án chưa được Hội đồng đền bù GPMB quận phê duyệt.
Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết, việc các hộ chưa bàn giao mặt bằng chủ yếu là do chưa thống nhất với phương án hỗ trợ, bồi thường GPMB và chưa được bố trí tái định cư. Trong khi đó, BQLDA quận Cầu Giấy lại cho rằng, trong 39 phương án chưa nhận bồi thường, hỗ trợ GPMB đó, không phải hộ nào cũng được bố trí tái định cư. Để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án, bên cạnh việc hoàn thiện quỹ nhà tái định cư, UBND quận Cầu Giấy cũng đang hoàn thiện các trình tự, thủ tục để tổ chức thực hiện vận động, thuyết phục các hộ nhận bồi thường, bàn giao mặt bằng. Các hộ cố tình không di chuyển sẽ bị lập biên bản vi phạm hành chính, cưỡng chế giải tỏa, GPMB.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.