(HNM) - Trong năm 2020 này, dự báo sẽ nhiều cơn bão, lũ lớn và thậm chí rất lớn hình thành, ảnh hưởng đến nước ta bất chấp mọi quy luật của thời tiết. Những trận mưa đá liên tiếp xảy ra từ đầu năm đến nay một lần nữa đưa ra lời cảnh báo về hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường có thể gieo tai họa ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.
Từ bao đời nay, những tuyến đê ven sông vẫn là những tấm lá chắn quan trọng bảo vệ con người, tài sản trước thiên tai mưa, bão. Mặc dù thời gian gần đây số lượng vụ vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn Hà Nội đã giảm so với những năm trước, nhưng vẫn nghiêm trọng và rất đáng lo ngại. Trong số 116 vụ vi phạm mà Chi cục Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội thống kê từ năm 2019 đến nay thì có tới 34 vụ xây dựng công trình trên mái đê, 12 vụ xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ kè… Những vụ việc vi phạm này ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn hệ thống đê điều.
Có nhiều nguyên nhân nhưng vấn đề cốt lõi là chính quyền địa phương chưa coi công tác bảo vệ đê điều, phòng chống lụt bão là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Chưa kể nhiều địa phương còn thiếu trách nhiệm, dẫn tới hiện tượng “thả nổi” vi phạm, tạo nguy cơ tiềm ẩn cho cả cộng đồng.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp dẫn đến bão, lũ có thể ập đến một cách bất thường thì công tác phòng, chống thiên tai cần được đặc biệt coi trọng và chúng ta phải có những hành động quyết liệt hơn để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại. Do vậy, việc bảo vệ đê điều, phòng, chống lụt bão cần được triển khai với một tinh thần mới. Không thể “đến hẹn lại lên” mỗi khi vào mùa mưa lũ mà phải coi đây là việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành và mỗi người dân.
Trước mắt, các cơ quan chức năng của Sở NN&PTNT khẩn trương phối hợp với các địa phương triển khai có hiệu quả việc rà soát, đánh giá, tổng hợp các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn. Trong đó đặc biệt lưu ý những vụ vi phạm tồn đọng kéo dài, những vụ việc nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận. Từ đó sớm tổ chức xử lý dứt điểm các hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều và khả năng thoát lũ...
Chính quyền các địa phương cần chủ động xây dựng phương án quản lý, sử dụng đất tại các khu vực bãi sông, trong hành lang bảo vệ đê điều; xử lý, thu hồi đối với diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của địa phương phối hợp chặt chẽ với các hạt quản lý đê tiến hành kiểm tra, rà soát thường xuyên, phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay từ khi phát sinh những vi phạm mới.
Song song với việc triển khai các giải pháp nêu trên, cần có những biện pháp “mạnh” để thay đổi nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ đê điều, phòng, chống thiên tai. Trong đó, người đứng đầu mỗi địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác bảo vệ đê điều. Đồng thời làm rõ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và xử lý trách nhiệm những người chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, để xảy ra sai phạm.
Cùng với đó cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thực của người dân về Luật Đê điều, để mỗi người tự giác tuân thủ các quy định của pháp luật.
Đê điều có vị trí, vai trò rất quan trọng trong mùa mưa lũ. Những việc làm thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ đê điều có thể gây nguy cơ cho cả cộng đồng. Do vậy, bên cạnh đầu tư, nâng cao chất lượng hệ thống đê trên địa bàn thành phố, các cấp, các ngành cần quyết liệt hơn trong việc xử lý các trường hợp vi phạm để giảm thiệt hại khi mùa mưa lũ đang đến gần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.