(HNM) - Hiện tượng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp kéo dài nhiều năm nay, chưa được xử lý dứt điểm; thậm chí, còn diễn ra với quy mô lớn hơn, tính chất tinh vi, phức tạp hơn. Nguyên nhân của tình trạng này là do những mối lợi rất lớn từ việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; chế tài trong xử lý hành chính, xử lý hình sự chưa đủ sức răn đe... Cũng vì thế mà ngân sách nhà nước tiếp tục thất thu, môi trường kinh doanh vẫn bất bình đẳng và không lành mạnh.
Ngăn chặn hiện tượng này, những năm qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp, từ tăng cường xử lý vi phạm hành chính đến xử lý hình sự. Tuy nhiên, dù số lượng doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp có giảm, nhưng quy mô vi phạm lại lớn hơn. Đáng nói, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật về thành lập doanh nghiệp mới hoặc với thủ đoạn tinh vi hơn là mua lại các doanh nghiệp nhằm mua, bán hóa đơn bất hợp pháp; thậm chí, đã hình thành đường dây liên kết xuất hóa đơn lòng vòng nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Bởi vậy, việc phát hiện và xử lý các đối tượng mua, bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp gặp rất nhiều khó khăn.
Để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và thật sự bình đẳng, hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp phải được ngăn chặn bằng những giải pháp đồng bộ.
Giải pháp cần làm trước mắt là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể trong các bên giao dịch. Theo đó, một mặt, mỗi doanh nghiệp phải thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước; mặt khác, cần cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để làm rõ và xử lý nghiêm những doanh nghiệp có dấu hiệu mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Đội ngũ cán bộ, công chức làm việc ở lĩnh vực liên quan cũng cần được thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ để đủ năng lực kiểm tra, phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu trong việc lập, sử dụng chứng từ khống khi mua, bán nguyên liệu, hàng hóa… Còn với người dân, mỗi khi tham gia giao dịch cũng phải tuân thủ quy định pháp luật về hóa đơn thuế, dứt khoát không tiếp tay cho những người sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Đặc biệt, cơ quan chức năng cần thẩm định nghiêm túc các điều kiện khi doanh nghiệp xin phép thành lập; tăng cường hậu kiểm, kiểm soát hoạt động doanh nghiệp sau khi thành lập... Đồng thời cần rà soát, tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng chế tài trong xử lý vi phạm để kịp thời bịt kín những kẽ hở đang tồn tại. Các cơ quan liên quan phải thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ để sớm phát hiện những thủ đoạn mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp mới, từ đó điều tra, xử lý nghiêm những sai phạm.
Để đẩy lùi hiện tượng vi phạm này, một giải pháp quan trọng nữa cũng được kỳ vọng, đó là thực hiện sử dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, theo đúng tinh thần Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2022. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, cơ quan quản lý phải bảo đảm rằng khi triển khai, ứng dụng sử dụng hóa đơn điện tử luôn nhanh chóng, chính xác, liên thông, dễ kiểm tra, giám sát và đặc biệt là không ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch bình thường.
Quyết liệt hơn trong thực hiện các giải pháp, tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp chắc chắn sẽ được ngăn chặn, từ đó chống thất thu ngân sách nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và bình đẳng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.