(HNMO) - Ngày 15-12, tại Hà Nội, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến "Triển khai Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 6-10-2020 của Thủ tướng Chính phủ (ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TƯ ngày 20-6-2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TƯ của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân) và xây dựng mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại các bộ, ngành, địa phương”.
Tại điểm cầu trung ương, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy; Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì hội nghị.
Điểm cầu thành phố Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai và lãnh đạo các sở, ngành thành phố dự.
Các đại biểu đã quán triệt một số nội dung cơ bản, những nhiệm vụ, giải pháp đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới theo tinh thần Kết luận số 80-KL/TƯ của Ban Bí thư và Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TƯ của Ban Bí thư.
Đại diện thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố Ngô Anh Tuấn thông tin, trước yêu cầu hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, nhu cầu được tiếp cận kịp thời, đầy đủ, chính xác với các thông tin pháp luật ngày càng tăng. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuyên truyền được Hà Nội đẩy mạnh.
Thành phố cũng đã chỉ đạo xây dựng nhiều ứng dụng lồng ghép tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật như: Hà Nội SmartCity, Hà Nội Media Box... Thực hiện tuyên truyền trên thiết bị màn hình điện tử, cầu thang pháp luật theo hình thức video clip tại các tòa nhà chung cư... Song thực tế cũng cho thấy, công tác phổ biến pháp luật tại cấp huyện, cấp xã gặp nhiều khó khăn do việc nhiều, nhưng biên chế không tăng, mức chi cho công tác này còn hạn chế. "Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả phổ biến pháp luật, cần quan tâm đến biên chế, nâng mức chi cho công tác phổ biến pháp luật", ông Ngô Anh Tuấn đề xuất.
Để phát huy những kết quả đạt được trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đại diện Bộ Tư pháp đề nghị, thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương cần quan tâm, nghiên cứu, nhân rộng mô hình tuyên truyền hiệu quả, điển hình như của Hà Nội. Đặc biệt, cần đa dạng hóa các hình thức tổ chức thực hiện; xác định nội dung bảo đảm cân đối giữa nhu cầu của đối tượng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị, bảo đảm nội dung ngắn ngọn, đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu, dễ vận dụng, sát thực tế, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và khả năng tiếp cận của từng nhóm đối tượng cụ thể; có sự lồng ghép trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào vận động quần chúng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.