(HNM) - Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND các xã thuộc 62 huyện nghèo (gọi tắt là Dự án 600 trí thức trẻ) đã hoàn thành giai đoạn một, tuyển chọn đủ đội viên, tập huấn và đưa về công tác tại các xã nghèo. Qua một thời gian về cơ sở, bước đầu các phó chủ tịch UBND xã trẻ đều cố gắng vượt khó, bắt nhịp với công việc.
Sáng kiến của giới trẻ
Tháng 1-2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 170/QĐ-TTg về việc phê duyệt Dự án 600 trí thức trẻ về tăng cường cho các xã thuộc 62 huyện nghèo (theo quyết định có 600 đội viên về 600 xã của 62 huyện nghèo tại 20 tỉnh, nhưng 20 xã đã có đủ hai phó chủ tịch UBND, nên giai đoạn một của dự án chỉ tuyển 580 đội viên về làm việc tại 580 xã). Sau 2 năm triển khai, dự án đã hoàn tất công tác tuyển chọn, đào tạo, tập huấn, đưa đội viên đến công tác ở các điểm. Bước đầu, các phó chủ tịch UBND xã đã khắc phục khó khăn, tiếp cận nhanh với địa bàn và công việc, có tinh thần cầu thị, học hỏi; phát huy được tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, dám đảm nhận những việc khó, việc mới. Nhiều người đã vào cuộc nhanh và khẳng định được năng lực, sở trường của mình. Nhiều mô hình, sáng kiến được áp dụng hiệu quả tại các xã nghèo.
Các trí thức trẻ tại tỉnh Cao Bằng. |
Phó Chủ tịch UBND xã Tuấn Đại (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) Nguyễn Thành Phong chia sẻ, từ khi nhận nhiệm vụ, anh đã bàn với lãnh đạo xã, trực tiếp liên hệ với Công ty Pepsi Việt Nam, phối hợp trồng 20 héc ta khoai tây (giống Atlantic); liên hệ với Công ty Dragon quy hoạch chi tiết vùng sản xuất nông nghiệp theo định hướng hàng hóa; phối hợp với cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y và cán bộ phụ trách lâm nghiệp xây dựng kế hoạch chi tiết về chăn nuôi, trồng trọt và trồng rừng kinh tế cho năm 2013. Còn Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quỳ (huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) Nguyễn Anh Ngọc đang triển khai dự án "Thử nghiệm mô hình nuôi giun quế phục vụ chăn nuôi gia cầm tại xã Xuân Quỳ, huyện Như Xuân". Dự án nhận được sự đồng tình của các trưởng thôn, chi bộ và nhân dân. Rất nhiều đội viên khác cũng đang phát huy chuyên môn được học để cống hiến cho những xã nghèo như xây dựng mô hình trang trại nuôi lợn cỏ; xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn trước, trong và sau tết 2013 cho bà con; tham mưu với UBND các xã vận động xây dựng nhà bán trú cho học sinh, tổ chức bếp ăn tại các trường mầm non…
Vẫn còn gian nan…
Theo Ban Quản lý dự án và sự phản ánh của các đội viên thì thực sự các trí thức trẻ hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Mặc dù đã nhận nhiệm vụ từ 3 đến 9 tháng nhưng vẫn chưa có lương, phụ cấp đầy đủ, bởi dự án khởi động năm 2012, nên chưa có quỹ lương trong dự toán ngân sách của các tỉnh. Một số tỉnh, huyện đã phải cân đối các nguồn để tạm ứng lương cho các đội viên ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, một số đội viên chưa nhận được sự phối hợp của cán bộ các địa phương, nơi công tác. Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), Giám đốc Ban quản lý dự án cho biết thường xuyên nhận được email, điện thoại của đội viên trao đổi rằng trong quá trình xử lý công việc cũng có sự va chạm nhất định. Cụ thể, trường hợp đội viên ở xã Phước Công, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, một số cán bộ sở tại thiếu hợp tác trong giải quyết công việc của xã, không chấp hành sự phân công, giao nhiệm vụ của phó chủ tịch xã (là đội viên dự án). Thậm chí, một số cán bộ xã có biểu hiện tư thù cá nhân, dùng xã hội đen để đe dọa đội viên…
Tại buổi giao lưu trực tuyến mới đây, lãnh đạo Đoàn thanh niên các tỉnh có đội viên về công tác tại xã nghèo đã đề xuất với TƯ Đoàn và Ban quản lý dự án cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cấp ủy, chính quyền và nhân dân các xã vùng dự án, tạo sự đồng thuận, ủng hộ và tạo điều kiện cho trí thức trẻ công tác và hoàn thành nhiệm vụ. TƯ Đoàn phối hợp với Bộ Nội vụ phát hành Cẩm nang hướng dẫn công tác cho đội viên; tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về quản lý nhà nước, kiến thức phát triển kinh tế cho các đội viên theo lĩnh vực được phân công; định kỳ gặp gỡ đội viên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp đội viên tiếp cận công việc nhanh, hiệu quả. Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án cũng nên xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá đội viên về mức độ hoàn thành nhiệm vụ để các bạn có ý thức phấn đấu; quan tâm giải quyết việc làm sau khi hoàn thành dự án. Ban quản lý dự án nên sớm có đề xuất với cơ quan chức năng, có thông báo chính thức về việc tuyển dụng với các đội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ vào biên chế nhà nước sau khi kết thúc dự án để các đội viên yên tâm công tác và phấn đấu.
Bên cạnh đó, qua chia sẻ của rất nhiều trí thức trẻ cho thấy, về công tác tại các địa phương, họ đã học hỏi được nhiều điều, từ truyền thống văn hóa đồng bào dân tộc, tập quán canh tác, cũng như kiến thức, kỹ năng vận động quần chúng. Điều này khẳng định, dự án bước đầu đã triển khai tốt. Nên chăng, các cấp, các ngành, nhất là địa phương nơi có đội viên về nhận công tác cần quan tâm, tạo điều kiện, chia sẻ những khó khăn, giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.