Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, gắn với thị trường lao động

Minh Ngọc| 20/09/2019 15:29

(HNMO) - Ngày 20-9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo Giáo dục Việt Nam năm 2019 với chủ đề: “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu khai mạc hội thảo Giáo dục Việt Nam năm 2019.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu khẳng định, sau hơn 30 năm đổi mới, sự nghiệp giáo dục - đào tạo ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước hội nhập tích cực theo xu thế phát triển của khu vực và thế giới. Trong thành quả chung ấy, giáo dục nghề nghiệp, với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đã có những đóng góp quan trọng.

Trong bối cảnh hiện nay, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, mà còn đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập quốc tế. Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý, hoạch định chính sách và các nhà giáo cùng trao đổi quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các ý tưởng phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Các ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu trong nước, quốc tế tại hội thảo cho rằng, để góp phần phát triển giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn tiếp theo, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; sớm đề xuất chính sách, đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, phù hợp với đặc thù của từng vùng miền...

Đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành nghị định tự chủ trong giáo dục nghề nghiệp; hoàn thiện chính sách cho nhà giáo phát huy năng lực sáng tạo, tổ chức giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm.

Từ chính sách chung, các ngành, đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh việc phân luồng học sinh khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông, tạo ra sự cân đối về cung - cầu trong hoạt động giáo dục - đào tạo nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng. 

Tiếp nhận ý kiến đa chiều của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho hay, Bộ đang xây dựng dự thảo “Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030”. Theo đó, dự kiến thời gian tới, mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở nước ta sẽ được sắp xếp, tổ chức lại để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phân tầng rõ ràng. Tầng cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao sẽ được Nhà nước đầu tư trọng điểm.

Những ý kiến trao đổi tại hội thảo Giáo dục Việt Nam năm 2019 sẽ được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổng hợp, làm căn cứ nghiên cứu, đánh giá tổng thể về hoạt động giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Từ đó, Ủy ban sẽ tìm các ý tưởng, giải pháp để hoàn thiện chính sách về giáo dục nghề nghiệp, góp phần giải bài toán về nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, gắn với thị trường lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.