Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần phát hiện sớm tật khiếm thính ở trẻ

BS Lan Hương| 08/07/2013 06:32

(HNM) - Con tôi được 3 tháng tuổi nhưng cháu ít khi phản ứng với những tiếng động. Xin hỏi làm thế nào để phát hiện sớm dị tật điếc ở trẻ và tầm quan trọng của việc phát hiện sớm này?


(Chị Nguyễn Thị Lan, Gia Lâm)

Có hai nhóm nguyên nhân chính gây điếc hoặc nghe kém ở trẻ em: Điếc bẩm sinh do bất thường trong quá trình phát triển của bào thai (thường gặp là do mẹ bị nhiễm Rubella khi mang thai); do mắc các bệnh như sinh non, nhẹ cân, vàng da, nhiễm trùng tai, viêm màng não hoặc chấn thương tai gây vỡ sàn sọ. Nếu trẻ bị điếc hoặc nghe kém trong giai đoạn mới sinh thì nhiều khả năng trẻ sẽ không nói được khi không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nếu trẻ mắc chứng nghe kém hoặc điếc sau khi đã biết nói thì việc phát hiện sớm giúp trẻ giao tiếp và học hành tốt hơn.

Khi thấy trẻ có những dấu hiệu không phản ứng với tiếng động lớn đột ngột, không bị đánh thức bởi tiếng ồn, không xoay đầu theo hướng giọng nói, không làm theo hoặc không hiểu các hướng dẫn của người thân, khó khăn trong phát triển ngôn ngữ, nói to hoặc không sử dụng kỹ năng ngôn ngữ thích hợp theo tuổi thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám, điều trị càng sớm hiệu quả sẽ càng cao.

Giải pháp thông thường hiện nay là đeo máy trợ thính, nhưng với những bệnh nhi bị nghe kém từ mức độ nặng cho đến mức độ sâu thì máy trợ thính không đủ đáp ứng, nhất là trẻ bị khiếm thính bẩm sinh thì giải pháp cấy điện cực ốc tai trước 2 tuổi có thể giúp trẻ tự phát triển các kỹ năng ngôn ngữ của mình. Để phòng bệnh, phụ nữ trước khi mang thai nên tiêm phòng Rubella, điều trị dứt điểm các bệnh lý đường hô hấp ở trẻ em, tầm soát nghe kém hoặc điếc ở các trẻ có nguy cơ như viêm màng não, trẻ sinh non, nhẹ cân, vàng da nặng…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần phát hiện sớm tật khiếm thính ở trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.