(HNMO) - Dự thảo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật được Chính phủ trình lên Quốc hội gồm 5 Chương, 77 điều, trong đó ngoài những quy định chung, có quy định về phòng chống sinh vật gây hại thực vật; kiểm dịch thực vật; thuốc bảo vệ thực vật...
Dự thảo luật được Chính phủ trình lên Quốc hội gồm có 5 chương, 77 điều, trong đó ngoài những quy định chung, có quy định về phòng chống sinh vật gây hại thực vật; kiểm dịch thực vật; thuốc bảo vệ thực vật...
So với Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật hiện hành, dự thảo luật đã có nhiều quy định mới, bổ sung một số nguyên tắc mới trong hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật đó là nguyên tắc về phòng chống sinh vật gây hại phải theo phương châm phòng là chính, sử dụng đồng bộ các biện pháp phòng chống sinh vật gây hại trong đó ưu tiên các biện pháp sinh học; đề cao trách nhiệm của chủ thực vật trong việc chủ động phòng chống sinh vật gây hại và nguyên tắc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từng bước loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật độc hại cao cho người và môi trường; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định bảo đảm an toàn cho người, động vật, thực vật và môi trường.
Dự thảo Luật cũng đã quy định một số chính sách của Nhà nước để nhằm thực hiện được các nguyên tắc trên như bổ sung các chính sách để đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại để chọn tạo, sử dụng giống cây trồng có sức chống chịu cao đối với sinh vật gây hại, trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học ít độc hại và các biện pháp phòng trừ khác thân thiện với môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm; xây dựng các vùng không nhiễm sinh vật gây hại; xây dựng hệ thống thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; khuyến khích sử dụng bao gói thuốc bảo vệ được làm từ vật liệu dễ tái chế để bảo vệ môi trường.
Dự thảo Luật bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm, trong đó nhấn mạnh các hành vi nghiêm cấm nhập khẩu và nhân nuôi sinh vật gây hại; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trái quy định; bỏ lại bao bì thuốc, thuốc bảo vệ thực vật thừa sau khi sử dụng không đúng nơi quy định.
Đáng chú ý, về kiểm dịch thực vật, dự luật quy định về điều kiện hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, trước khi nhập khẩu phải phân tích nguy cơ dịch hại (thiết lập hàng rào kỹ thuật). Căn cứ vào kết quả phân tích nguy cơ dịch hại mới quyết định cho phép hoặc không cho phép nhập khẩu.
Dự thảo Luật quy định trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định tạm dừng hoặc cấm xuất khẩu, nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
Về thuốc bảo vệ thực vật, dự thảo đã quy định rõ các loại thuốc bảo vệ thực vật nào không được phép đăng ký để sử dụng ở Việt Nam, những tổ chức, cá nhân được đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam và những loại thuốc nào sẽ bị loại bỏ ra khỏi danh mục.
Dự thảo Luật đã có các quy định chặt chẽ cho việc sử dụng đối với thuốc bảo vệ thực vật xông hơi khử trùng là một loại thuốc rất độc hại; quy định về việc xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng...
Thẩm tra dự thảo luật, Ủy ban KH,CN&MT nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của dự thảo Luật, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát lại các quy định trong dự thảo Luật theo hướng: dẫn chiếu cụ thể các quy định của pháp luật có liên quan; với các vấn đề đã được thực tiễn kiểm nghiệm thì nên quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật, để khi ban hành Luật thực thi ngay được, không cần chờ văn bản hướng dẫn.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về BV&KDTV, Uỷ ban đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ NN&PTNT trong quản lý nhà nước về BV&KDTV; trách nhiệm phối hợp của các bộ, cơ quan ngang bộ với Bộ NN&PTNT, đặc biệt trong các lĩnh vực như kiểm soát dư lượng thuốc BVTV trong nông sản để góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, xử lý thuốc BVTV bị tiêu hủy, thuốc BVTV quá hạn sử dụng, việc tuyên truyền giáo dục người dân trong sử dụng thuốc BVTV...; phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước giữa UBND cấp tỉnh, huyện và cấp xã trong việc quản lý nhà nước về BV&KDTV.
Về kiểm dịch thực vật, để bảo đảm tính minh bạch trong thương mại quốc tế, trong dự thảo Luật cần bổ sung một số quy định về: thời gian phân tích nguy cơ dịch hại; hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với một số vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu không vì mục đích thương mại (ví dụ nhập khẩu hạt giống để phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển giống, nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phục vụ triển lãm hoặc hội chợ); trách nhiệm phối hợp giữa tổ chức kiểm dịch thực vật vùng với tổ chức BVTV địa phương trong việc kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu như phải thông báo khu vực thực hiện cách ly để gieo trồng, nhân nuôi giống cây trồng nhập khẩu sau thông quan… Đồng thời, làm rõ điều kiện hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật đối với “các biện pháp xử lý khác trong lĩnh vực kiểm dịch”.
Theo chương trình, dự thảo Luật kiểm dịch và bảo vệ thực vật sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào ngày 21/6 tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.