Phát biểu sau cuộc họp với đại diện các đài TH lớn trong cả nước về vấn đề bản quyền, thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh: cần có sự phân biệt rõ giữa truyền hình quảng bá và truyền hình trả tiền, để tránh nhầm lẫn chuyện “phục vụ” hay quyền và nghĩa vụ của người xem…
(Khán giả cần phân biệt rõ những chương trình quảng bá với những chương trình phải trả tiền nhằm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức cao hơn - Ảnh: Giải bóng đá Ngoại hạng Anh, Getty Images)
Tham dự cuộc họp với lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông có đại diện của Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện của Kênh truyền hình cáp HCTV và Đài truyền hình kỹ thuật số VTC.
Sau cuộc hội ý kéo dài từ 8h30 tới 11h30, Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Đỗ Quý Doãn đã có những phát biểu ngắn ngọn, thể hiện quan điểm của lãnh đạo Bộ cũng như những hướng giải quyết trước mắt và lâu dài cho vấn đề bản quyền truyền hình ở Việt Nam.
Theo Thứ trưởng, vấn đề đầu tiên mà báo chí cần làm rõ là phân biệt rạch ròi giữa truyền hình quảng bá (phát miễn phí) và truyền hình trả tiền – nơi đáp ứng nhu cầu xem truyền hình ngày càng cao của khán giả. Khác với truyền hình quảng bá, người xem bên cạnh quyền thưởng thức các chương trình truyền hình, còn có nghĩa vụ phải chi trả cho những thụ hưởng của mình. Quyền và nghĩa vụ này cần phải đi song song với nhau bởi các kênh truyền hình trả tiền có hoạt động như một DN, nên ngoài việc đảm bảo về mặt nội dung còn phải giải quyết bài toán kinh doanh theo quy luật của thị trường.
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cũng cho biết, hiện tại Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Chính phủ Quy chế quản lý truyền hình trả tiền, nhằm mục đích đảm bảo sự phát triển của loại hình dịch vụ này theo đúng những quy định của pháp luật.
Với việc kênh truyền hình K+ sở hữu bản quyền phát sóng độc quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh vào ngày chủ nhật với mức cước cao hơn mặt bằng chung, gây nhiều bức xúc trong dư luận vừa qua, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cũng đưa ra những hướng giải quyết cơ bản ở cả thời điểm trước mắt lẫn về lâu dài.
Về lâu dài, theo Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, việc thành lập một Hiệp hội truyền hình trả tiền là hết sức cần thiết. Hiện tại, Bộ Thông tin Truyền thông đã đồng ý cho việc thành lập Ban vận động của hiệp hội. Trong thời gian tới, Bộ Thông tin Truyền thông sẽ bàn với Bộ Nội vụ để thúc đẩy việc thành lập Hiệp hội này. Việc ra đời của Hiệp hội truyền hình trả tiền nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các kênh truyền hình và của chính người hâm mộ,
Ở thời điểm trước mắt, khi chưa có Hiệp hội, các đài truyền hình, nhất là các kênh truyền hình trả tiền cần ngồi lại, có những bàn bạc cụ thể về vấn đề bản quyền, nhằm tránh tình trạng “ép giá” của đối tác nước ngoài, đảm bảo sự chia sẻ quyền lợi giữa các kênh trong nước và lợi ích của người hâm mộ.
Với những bức xúc rất “nóng” của xã hội trong thời gian qua với vụ việc K+, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho biết, qua cuộc gặp gỡ vừa qua, các Đài truyền hình đã thống nhất ngồi lại với nhau, cố gắng tìm ra một giải pháp chấp nhận được, đảm bảo lợi ích của các bên và đưa số lượng người có khả năng tiếp cận với các giải bóng đá nước ngoài đông đảo hơn nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.