Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần những giải pháp thông minh

Chí Kiên| 11/11/2013 06:19

(HNM) - Ở Việt Nam, biến đổi khí hậu đang có tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó vấn đề an ninh lương thực được dự báo sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi những tổn thất về sản lượng và diện tích đất lúa.

Nguy cơ mất hàng triệu hécta đất nông nghiệp

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Washington, Hoa Kỳ), đến năm 2050 sản lượng lương thực có thể sụt giảm nghiêm trọng tại các nước đang phát triển nếu không có biện pháp ứng phó BĐKH hữu hiệu. Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO) cũng đã đưa ra cảnh báo, vấn đề an ninh lương thực càng có tầm quan trọng hơn khi nhu cầu về sản lượng lương thực toàn cầu phải tăng ít nhất 70% vào năm 2050, đủ để nuôi sống 9 tỷ người trên hành tinh.

Diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp do tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: Yến Ngọc


Việt Nam là quốc gia đứng trong tốp đầu về xuất khẩu gạo (trong 10 tháng của năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu 5,73 triệu tấn gạo, trị giá khoảng 2,55 tỷ USD), tuy nhiên hai vựa lúa lớn, gồm Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, lại đang bị những tác động to lớn từ BĐKH. Trong đó, ở Đồng bằng sông Cửu Long, dự báo đến năm 2100 có nguy cơ mất 7,6 triệu tấn lúa, tương đương hơn 40% tổng sản lượng lúa của vùng. Đáng lo ngại hơn, tình trạng nước biển dâng khiến diện tích đất nông nghiệp bị nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng từng ngày. Ngoài ra, khu vực vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc và miền Trung cũng phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt hơn như hạn hán, khô hanh và mưa lũ nhiều hơn, gây ảnh hưởng đến cây lương thực nghiêm trọng. Xu hướng này càng rõ hơn khi các tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên thời gian qua liên tục phải đối mặt với mưa lũ lớn, tình trạng thiếu nước sản xuất, thiệt hại hàng trăm nghìn hécta lúa...

Một vấn đề đáng lo ngại khác là BĐKH làm thay đổi điều kiện sống của các loại sinh vật, làm gia tăng một số loại dịch hại mới và các đợt dịch bùng phát trên diện rộng. Trong khi đó, việc sử dụng phân bón, nhất là phân đạm với hiệu lực thấp, sử dụng nhiều hóa chất nông nghiệp, canh tác đất bất hợp lý gây xói mòn, rửa trôi… đều gây ra tình trạng phát thải khí nhà kính với tỷ lệ cao.

Thay đổi phương thức canh tác…

BĐKH đã, đang tác động xấu đến ngành trồng trọt, trong khi đó, áp lực dân số, kéo theo là nhu cầu về lương thực ngày càng gia tăng, đòi hỏi cần phải có những giải pháp thích ứng thông minh. Theo ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), để có được những giải pháp thông minh, cần nghiên cứu để hiểu rõ những kỹ thuật khác nhau, xác định được những giải pháp nào có triển vọng và phù hợp với điều kiện cụ thể của các vùng sinh thái khác nhau. "Thế giới đang cùng nhau ứng phó với BĐKH bằng các giải pháp cùng có lợi (win-win) và các giải pháp không ân hận (non-regret solution). Về bản chất, đó là các giải pháp thông minh mà ngay cả BĐKH xảy ra chậm hơn không cực đoan như dự báo vẫn có lợi. Các giải pháp đó bao gồm đồng thời cả thích ứng và giảm thiểu, tức là giảm tác động tiêu cực của BĐKH và giảm phát thải nhà kính từ sản xuất nông nghiệp" - ông Quảng phân tích.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Ngành nông nghiệp đã có chủ trương tăng giá trị sản xuất, năng suất 20%; giảm phát thải khí nhà kính 20% và giảm nghèo 20% theo các chu kỳ 10 năm (bình quân 2%/năm). Ngoài ra, về tổng thể, ngành nông nghiệp cũng quy hoạch lại vùng sản xuất chiến lược, các cây trồng chiến lược như lúa, ngô, các loại cây đậu; nghiên cứu, dự báo các cây trồng mà Việt Nam sẽ có lợi thế trong tương lai. Về các giải pháp trước mắt, ngành nông nghiệp cần tính đến việc chọn giống ngắn ngày, giống mới có tính thích ứng cao như hạn, mặn, sâu bệnh...; nghiên cứu nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, thay đổi biện pháp canh tác và cơ cấu cây trồng; tái sử dụng và sử dụng đa mục tiêu tất cả các sản phẩm của ngành trồng trọt...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần những giải pháp thông minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.