Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần những giải pháp mang tính lâu dài

Khánh Linh| 23/04/2010 06:35

(HNM) - Vài năm gần đây, lĩnh vực giao thông đô thị (GTĐT) luôn là vấn đề bức xúc của cộng đồng tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Những phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại nhiều kỳ họp HĐND các cấp cũng luôn "nóng" bởi vấn đề giao thông. Thành phố Hà Nội đã chi không ít ngân sách nhằm giải quyết vấn đề này, nhưng kết quả chưa được như mong muốn.

Ách tắc giao thông: Báo động đỏ

Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Hà Nội đang quản lý 583 tuyến đường với tổng chiều dài 1.178km, trong đó có đến 273 cầu các loại. Tuy nhiên, hạ tầng GTVT của Hà Nội còn thiếu về số lượng và phân bổ chưa hợp lý. Trong khi đó, toàn thành phố hiện có khoảng 303.000 ô tô các loại, gần 3,65 triệu xe máy và khoảng 1 triệu xe đạp, chưa kể phương tiện giao thông của quân đội và các địa phương khác hằng ngày vẫn "quá cảnh".

Thời gian qua, tình trạng  ùn tắc giao thông ở Hà Nội xảy ra khá thường xuyên. Ảnh: Trung Kiên

Còn nhớ cách đây không lâu, hầu hết các trục đường lớn của Hà Nội đều được lắp đặt những hệ thống đèn tín hiệu GT khá hiện đại. Cũng phải mất một thời gian, người tham gia GT mới làm quen được với tín hiệu các đèn xanh, vàng, đỏ. Nhưng rồi đô thị hóa quá nhanh, địa giới thủ đô mở rộng, lượng người tham gia GT tăng đột biến, nạn ách tắc xảy ra trên diện rộng và càng ngày càng gần đến "báo động đỏ". Trước thực trạng đó, ngành GTVT Thủ đô phải tổ chức phân lại làn đường của nhiều tuyến phố và tình trạng ùn tắc phần nào được cải thiện. Rồi cũng chỉ được một thời gian ngắn, khi lưu lượng phương tiện ngày càng cao, năng lực thông xe của tuyến và nút GT nội thành không đáp ứng nhu cầu, nạn ùn tắc lại diễn ra trên diện rộng. Phải khẳng định giải pháp bịt các ngã ba, ngã tư gần đây mang lại tác dụng ở mức độ nào đó, nhưng giảm tắc chỗ này lại tăng sự dồn ứ phương tiện tham gia GT ở nhiều điểm khác. Không những thế, giải pháp này còn phá vỡ thiết kế quy hoạch GT, gây lãng phí

Nhiều tuyến phố như Nguyễn Trãi, Thái Hà, Láng Hạ, Giảng Võ, Cát Linh, Trường Chinh... ngày nào cũng ùn tắc. Không phải chỉ vào giờ cao điểm, mà ở một số tuyến đường chuyện thông đường chỉ được tính bằng phút. Hằng ngày, tại những điểm thắt cổ chai trên tuyến Đại Cồ Việt - Giải Phóng, phương tiện tham gia GT phải nhích từng tí một, giờ cao điểm, lượng xe dồn ứ kéo dài hàng trăm mét được coi là chuyện thường tình. Ngã tư đường Trường Chinh - Giải Phóng, Trường Chinh - Lê Trọng Tấn hay ngã ba Trường Chinh - Vương Thừa Vũ… mỗi ngày ít nhất ba, bốn lần ùn tắc, đôi khi phải mất hàng giờ chưa đi hết một phần của con phố.

Giải pháp nào?

Hiện tại, Hà Nội chưa có tuyến đường vành đai nào được hoàn chỉnh theo quy hoạch, các nút GT lập thể quá ít, giao cắt giữa đường sắt và đường bộ đô thị hầu hết là đồng mức… trong khi đó số lượng phương tiện cá nhân gia tăng quá nhanh càng làm tăng sức ép về tổ chức GT. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ người tham gia GT ý thức chấp hành luật quá kém. Các nhà quản lý của thành phố cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc GT hiện nay là do điều kiện cơ sở hạ tầng GT còn hạn chế, thiếu đồng bộ, tỷ lệ đường GT chỉ chiếm khoảng 7% diện tích đô thị (trong khi theo quy định phải là 15-20%). Hơn nữa, thành phố hiện có đến 80% tuyến đường hẹp dưới 11m, diện tích dành cho giao thông tĩnh chỉ chiếm 1,2% diện tích đất đô thị. Theo ngành chức năng, những năm gần đây, thành phố chỉ phát triển thêm được vài chục kilômét đường, vài năm trôi qua, các nút GT hết quay ngược lại quay xuôi.

Vào giờ cao điểm, nút giao thông Thanh Xuân vẫn xảy ra ùn tắc. Ảnh: Bá Hoạt

Thực tế cho thấy, tỷ lệ tăng diện tích GT của Hà Nội không đáp ứng kịp so với tốc độ tăng phương tiện GT hàng năm. Nhiều công trình, dự án tu bổ, sửa chữa GT lại tiến hành với tốc độ chậm với nhiều lý do cả khách quan và chủ quan càng làm cho tình trạng ùn tắc thêm trầm trọng. Tất cả những bất cập này góp phần tăng thêm tình trạng ùn tắc ở hầu hết các tuyến phố, nhất là các tuyến cửa ô.

Để giải quyết nạn ùn tắc GT ở Hà Nội, cùng với việc không xây các chung cư cao tầng trong nội thành, sớm hoàn thiện quy hoạch hệ thống GT, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng cơ sở, các đô thị vệ tinh, mở thêm các đường vành đai để giãn dân… Một việc cần làm ngay là phải tuyên truyền, giáo dục xây dựng văn hóa GT với những bước đi và hình thức thích hợp. Nếp sống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội thể hiện ở việc thực hiện nghiêm các quy định của Luật GT đường bộ; tôn trọng và nhường nhịn nhau trong tham gia GT; không phóng nhanh, vượt ẩu; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; không vứt rác ra đường và làm ồn đường phố. Nếu không có những giải pháp mang tính lâu dài, chắc chắn trong vòng 5 năm tới, các phương tiện giao thông không thể di chuyển được trên đường và nạn ùn tắc sẽ không thể giải quyết được.

Còn 43 điểm thường xuyên có nguy cơ ùn tắc

(HNM) - Thông tin trên vừa được đưa ra tại cuộc họp sơ kết quý I của Ban chỉ đạo 197 TP Hà Nội. Trong quý I-2010, trên địa bàn đã xảy ra 214 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 182 người chết và 81 người bị thương, so với cùng kỳ năm 2009, TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí. Bên cạnh việc tồn tại 43 điểm nêu trên, hiện tượng đỗ xe ô tô sai quy định còn diễn ra phổ biến; hiện tượng lập bãi giữ xe trái phép, quá giá quy định cũng tái diễn trên nhiều phố; tình trạng vi phạm về vệ sinh môi trường tại chân các công trình, đổ trộm phế thải, vận chuyển phế thải, vật liệu xây dựng rời gây bụi bẩn vẫn tồn tại.

Tuấn Khải
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần những giải pháp mang tính lâu dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.