(HNM) - Tình cảnh thể thao Việt Nam (TTVN) trắng tay tại Olympic London 2012 cho thấy công tác chuẩn bị cho Thế vận hội có không ít vấn đề. Đã đến lúc tất cả phải ngồi lại để định hướng cho TTVN trong thời gian tới.
Đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic 2012. |
Nên ngồi lại giải quyết, thay vì chỉ trích
Khi về tới sân bay Nội Bài, Trưởng đoàn TTVN Lâm Quang Thành đã thừa nhận trách nhiệm của lãnh đạo ngành trong việc TTVN trắng tay tại Olympic London 2012. Theo ông Lâm Quang Thành, việc đầu tư cho đấu trường Olympic cần tính toán lại với chu kỳ đầu tư dài hơn, thậm chí lên tới 7-8 năm thì mới hy vọng có sự khởi sắc ở đấu trường này.
Cũng theo ý này của ông Lâm Quang Thành thì thành tích không tốt của TTVN là hệ quả của quá trình đầu tư thiếu tầm chiến lược. Cách nói này hoàn toàn chính xác, bởi sau chương trình mục tiêu từng mang lại thành công bước ngoặt ở SEA Games 22 thì ngành thể thao đã không còn những chương trình mang tính chiến lược tương tự. Sau thế hệ SEA Games 22, TTVN không cho ra lò được những thế hệ vàng tiếp theo và rất nhiều người trưởng thành từ thời đó vẫn gánh vác nhiệm vụ hiện nay.
Do vậy, cũng không thể đổ hết lỗi thất bại ở Olympic 2012 lên đầu những lãnh đạo ngành hiện nay bởi có phần lỗi từ trước đây. Tuy nhiên, đội ngũ lãnh đạo hiện tại chưa thật kiên quyết trong việc thay đổi từ gốc rễ vấn đề khi nhận thấy những dấu hiệu đi xuống của TTVN, nhất là ở những đấu trường lớn như Olympic, ASIAD. Vậy nên, giờ là lúc tất cả cùng ngồi lại tìm những giải pháp mang tính chiến lược cho thể thao nước nhà thay vì đổ lỗi hay chỉ trích.
Phải có chương trình mục tiêu
Từ những thất bại vừa qua, đã đến lúc TTVN cần xây dựng chương trình chuẩn bị riêng cho Olympic với sự đầu tư dài hạn, chuyên sâu và khoa học. Trong bối cảnh kinh phí còn eo hẹp như hiện nay cộng thêm việc đưa thể thao vào trường học còn gặp nhiều trở ngại thì việc thay đổi ngay tận gốc rễ không đơn giản. Chúng ta cần có đối sách khôn ngoan phù hợp với đặc thù riêng của Việt Nam.
Một số nước Đông Nam Á đã xây dựng cho mình những nội dung thế mạnh một cách thật chi tiết thay vì chỉ xác định chung chung là đầu tư trọng điểm cho nhóm 10 môn nhóm 1 như Việt Nam đang làm. Chẳng hạn, với Thái Lan, họ xác định đầu tư mạnh nhất cho môn cử tạ, nhưng không phải tất cả các hạng cân cử tạ đều được đầu tư như nhau mà trong môn trọng điểm này cũng có những nội dung trọng điểm là từ 48kg đến 63kg nữ, trong đó tiêu điểm hàng đầu là 2 nội dung 53kg nữ và 58kg nữ.
Từ kinh nghiệm này cho thấy, việc đầu tư trọng điểm nên đi theo từng nội dung, con người cụ thể dựa trên những nghiên cứu khoa học về thế mạnh của người Việt Nam. Điều này sẽ giúp tiết kiệm kinh phí đầu tư thay vì dàn trải ra những nội dung không có hiệu quả. Chẳng hạn với môn cử tạ, chúng ta đã tiếp cận trình độ thế giới, nhưng cũng chỉ nên đầu tư mạnh ở những nội dung nhẹ của nam và nữ. Tương tự là các nội dung đối kháng khác là taekwondo, quyền Anh nữ, vật nữ, chúng ta cũng chỉ có cơ hội ở những hạng cân nhỏ.
Chỉ khi nhìn ra được bản chất cốt lỗi của thất bại vừa qua để rút kinh nghiệm mới có thể thành công thay vì sự chỉ trích dồn dập, ồ ạt, đôi khi mang mục tiêu cá nhân sẽ làm việc "chẩn bệnh'' bị sai lệch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.