(HNM) - Tháng 1 năm 2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ở nước ta tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng khá cao ở tất cả lĩnh vực hoạt động. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp, dù dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh khó khăn, thách thức do dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp luôn nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng để hồi phục và bứt phá trong sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước... Những nỗ lực của các doanh nghiệp luôn nhận được sự hỗ trợ và đồng hành của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương thông qua hàng loạt giải pháp thiết thực và hiệu quả: Tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa; cơ cấu lại nợ, hỗ trợ lãi suất; giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, phí, lệ phí... Nhờ thế, từ cuối năm 2021, các doanh nghiệp đã dần vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Song, để tăng sức bền bỉ và bứt phá mạnh mẽ hơn trong năm 2022 và các năm tiếp theo, cộng đồng doanh nghiệp cần được quan tâm và trợ lực nhiều hơn nữa.
Theo đó, các cấp, các ngành cần thực hiện tốt Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10-1-2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; tiếp tục rà soát các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để kịp thời tháo gỡ, cũng như cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí, thủ tục cho doanh nghiệp; khơi thông mọi nguồn lực cho đầu tư, kinh doanh; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 đi cùng với thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp... Đặc biệt, việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp cần quyết liệt, mạnh mẽ, công khai, minh bạch, kịp thời, dễ tiếp cận; các quy trình, thủ tục để hưởng hỗ trợ phải được đơn giản hóa tối đa...
Về phía các địa phương, cần có giải pháp và triển khai thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ... Kinh nghiệm của Hà Nội cho thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực, thành phố đã chủ động tổ chức các hội nghị, đối thoại, gặp mặt để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức.
Ngoài việc trông chờ vào các chính sách hỗ trợ, bản thân các doanh nghiệp - nhất là những doanh nghiệp thành lập mới - cần chủ động nâng cao năng lực thích nghi với điều kiện thực tế; có các giải pháp quản trị rủi ro tốt hơn, nhất là về chuỗi cung ứng, về nguyên liệu đầu vào; quan tâm đến quyền lợi, sức khỏe của người lao động... Dịch Covid-19 là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu mới của thị trường trong trạng thái bình thường mới; kết nối chặt chẽ với đối tác, nâng cao năng lực đổi mới và sức cạnh tranh trên thị trường.
Năm 2022 có thể mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nếu có sự linh hoạt, khả năng ứng phó tốt. Do đó, cần phải nắm bắt được thời cơ, dự báo, đoán định được những diễn biến cung - cầu của thị trường. Đây sẽ là tiền đề giúp các doanh nghiệp phục hồi, bứt phá mạnh mẽ trong năm nay và những năm tiếp theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.