Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Bảo Vy| 08/11/2016 06:47

(HNM) - Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) hết hạn sử dụng; đa số sản phẩm sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; quy trình sản xuất còn thủ công, chưa khép kín, không bảo đảm các quy định về ATTP… là những tồn tại đặt ra qua đợt giám sát về công tác quản lý ATTP của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội.

Theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Trần Thế Cương, thời gian gần đây, rất nhiều cử tri lo lắng, kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào cuộc quyết liệt để kiểm soát, ngăn chặn thực phẩm mất an toàn. Lo lắng của cử tri là hoàn toàn có cơ sở bởi thực tế, công tác quản lý về ATTP tại một số chợ còn hình thức, thiếu chặt chẽ, chủ yếu qua cảm nhận, không có hóa đơn chứng từ nhất là đối với các chợ tạm, chợ cóc.

Bên cạnh đó, phản ánh từ Ngành Y tế, NN&PTNT, Công Thương, việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc được nhập từ nước ngoài, từ các địa phương khác vào tiêu thụ tại Hà Nội chưa chặt chẽ; tình trạng sử dụng các chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh vẫn chưa được xử lý triệt để.

Ông Trần Thế Cương cho rằng, kiểm soát ATTP cần nhiều giải pháp đồng bộ, mà trước tiên Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo các tỉnh biên giới tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm ATTP.

Hiện chế tài xử phạt vẫn nhẹ, cần điều chỉnh quy định về xử phạt theo hướng tăng nặng đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất lượng ATTP, mới có tính răn đe, nếu cơ sở vi phạm nhiều lần sẽ bị cấm kinh doanh thực phẩm vĩnh viễn.

Ngoài ra, thành phố cần tăng cường chỉ đạo các quận, huyện, thị xã xây dựng khu chăn nuôi, giết mổ tập trung theo quy hoạch, từng bước dừng hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ không bảo đảm vệ sinh.

Hà Nội có hàng nghìn chợ cóc, chợ tạm, hiện đang bỏ ngỏ quản lý ATTP chủ yếu bởi lực lượng mỏng. Vì thế, ngoài các biện pháp trên, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo Ban chỉ đạo ATTP cùng cấp và các xã tăng thêm cán bộ, tổ chức tập huấn để kiểm soát thường xuyên ở chợ cóc, chợ tạm, nhất là thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Các đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… cũng cần phát huy vai trò của mình, tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng thực phẩm có nguồn gốc; cơ sở sản xuất, kinh doanh công khai thông tin về chất lượng, sản phẩm hàng hóa giúp người dân nhận thức đúng về ATTP, cảnh giác, thận trọng hơn khi lựa chọn thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần nhiều giải pháp đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.