Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cân nhắc việc thành lập thêm một cơ quan giám định tư pháp công lập

Tiến Thành| 21/05/2020 17:49

(HNMO) - Trong phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, diễn ra chiều 21-5, nội dung bổ sung chức năng giám định tư pháp cho “Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao” nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp.

Được trình Quốc hội xem xét từ kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, dự án Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012 về quyền, nghĩa vụ của người giám định tư pháp; trách nhiệm quản lý, lập và công bố danh sách người giám định, tổ chức giám định theo vụ việc; trách nhiệm của cơ quan trưng cầu, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận, thực hiện giám định; cơ chế phối hợp trong trưng cầu, tiếp nhận và thực hiện vụ việc giám định liên quan đa ngành, đa lĩnh vực; thời hạn giám định; yêu cầu đối với nội dung trưng cầu và kết luận giám định; tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; trách nhiệm của các bộ, ngành đối với hoạt động giám định tư pháp; xử lý vi phạm trong hoạt động giám định....

Thảo luận về dự án luật, đại biểu Trần Hồng Hà (Đoàn Vĩnh Phúc) tán thành với việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho “Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao”, bởi hiện nay tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự mới chỉ có ở Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Trong đó, việc giám định âm thanh, hình ảnh chỉ có ở cơ quan giám định của Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an. Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng cần thành lập thêm cơ quan giám định tư pháp bởi nhu cầu giám định âm thanh, hình ảnh trong hoạt động điều tra, tố tụng ngày càng tăng.

Cho rằng việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho “Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao” là cần thiết nhưng không phải do công tác giám định quá tải, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) cho rằng cần thiết lập thêm cơ quan giám định tư pháp bởi chưa bao giờ việc tránh oan sai trong điều tra, truy tố, xét xử lại cấp thiết như hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang)

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) nêu ý kiến cần mở rộng hơn chức năng giám định tư pháp cho Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để bảo đảm tính khách quan trong hoạt động giám định tư pháp. “Chỉ có một cơ quan giám định về âm thanh, hình ảnh nên nếu có dấu hiệu giám định không khách quan, để xảy ra khiếu nại thì các cơ quan tố tụng không thể trưng cầu giám định lại”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu rõ.

Tranh luận với đại biểu Nguyễn Mai Bộ, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn Nghệ An) cho rằng, để tránh oan sai thì phải lập cơ quan giám định thuộc Tòa án nhân dân Tối cao mới đúng tính chất. Bởi, Tòa án là trung tâm của ngành tư pháp. Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, từ năm 2012 đến nay chỉ có khoảng 60 vụ việc giám định về âm thanh, tiếng nói, như vậy trung bình mỗi năm chỉ có 8 vụ. Từ đó có thể thấy nhu cầu về giám định là không cao, do đó không cần thiết phải lập thêm cơ quan giám định tư pháp công lập.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắk Lắk) cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với vấn đề này bởi đây là lĩnh vực kỹ thuật chuyên biệt, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Khi Luật Giám định tư pháp có hiệu lực từ năm 2012 đến nay thì Viện Khoa học hình sự của Bộ Công an đã đáp ứng được yêu cầu về giám định. Đại biểu lo ngại sẽ tăng nhân sự, biên chế khi thành lập cơ quan giám định công lập thuộc Viện Kiểm sát các cấp.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắk Lắk)

Báo cáo giải trình làm rõ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho “Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao” để đẩy nhanh tiến độ giám định tư pháp và thêm một kênh để thực hiện giám định các vụ việc còn ý kiến khác nhau. Theo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, việc thành lập thêm cơ quan giám định tư pháp sẽ không gây “phình to” bộ máy. Việc mua sắm trang thiết bị (gần 9,5 tỷ đồng) cho cơ quan giám định mới sẽ được thực hiện theo hình thức xã hội hóa...

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng có nhiều ý kiến khác nhau về quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp; quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp; quyền và nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp; điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp...

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết đã có 14 đại biểu phát biểu ý kiến và 6 đại biểu tranh luận về dự án luật này. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp thu, nghiên cứu bổ sung dự thảo luật trước khi trình Quốc hội. Đối với những ý kiến còn khác nhau về thành lập thêm cơ quan giám định tư pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ lấy phiếu xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cân nhắc việc thành lập thêm một cơ quan giám định tư pháp công lập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.