(HNM) - Sau nhiều lần sửa đổi, Bộ Xây dựng đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị định về giấy phép xây dựng (GPXD), với những điều kiện rất "thoáng" trong thủ tục xin cấp phép xây dựng.
Đáng chú ý là quy định giấy tờ mua bán đất giữa các cá nhân với nhau cũng được coi là hợp pháp và được xét cấp GPXD với điều kiện UBND cấp xã, phường, thị trấn xác nhận đất đang sử dụng không có tranh chấp. Ngay lập tức, quan điểm của Bộ Xây dựng đã được dư luận đặc biệt quan tâm…
Ông Trần Văn An (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng):
Sẽ phát sinh nhiều hệ lụy
Giấy tờ mua bán đất giữa các cá nhân với nhau cũng được xem là hợp pháp. Cá nhân không có bất kỳ giấy tờ gì, chỉ cần được UBND xã, phường xác nhận đất đang sử dụng, không có tranh chấp vẫn được xem xét cấp GPXD… Quy định như vậy quá dễ dãi, nếu dự thảo nghị định lần này được thông qua, chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc cấp GPXD. Đất không giấy tờ, mua bán trao tay giữa các cá nhân cũng được cấp GPXD, thì chẳng hóa ra Bộ Xây dựng đã "đánh đồng" đất không có giấy tờ và đất đã có sổ đỏ là ngang nhau, sẽ dẫn đến việc người dân không mặn mà thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với mảnh đất của mình, không cần đóng thuế sử dụng đất, không làm thủ tục cấp giấy chứng nhận… Việc "cào bằng" giữa đất không giấy tờ và đất có sổ đỏ, không chỉ làm cho nhà nước thất thu, mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường trong công tác quản lý đất đai.
Ông Lê Viết Ngoạn (xã Vân Nội, huyện Đông Anh):
Giao cho xã, phường dễ lỏng lẻo trong quản lý
Nếu đất mua bán trao tay cũng được coi là hợp pháp, cá nhân không có bất cứ loại giấy tờ gì, chỉ cần UBND xã, phường xác nhận đất đang sử dụng không tranh chấp là đủ điều kiện xem xét cấp GPXD… e rằng sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực. Chẳng hạn, đối với những mảnh đất “nhảy dù”, lấn chiếm, đất nông nghiệp xen kẹt… chỉ cần chủ hộ "dàn xếp" được với các hộ dân xung quanh hoặc các hộ dân cùng "bắt tay" nhau để xin UBND phường, xã, thị trấn xác nhận rồi xây nhà, thì vô hình trung, họ đã hợp pháp hóa việc sử dụng mảnh đất đó? Hơn nữa, UBND cấp xã, phường, thị trấn cũng không có quyền xác nhận tư cách pháp lý việc sử dụng đất đai, nên việc đề xuất như dự thảo là không phù hợp.
Ông Vũ Đình Biên (Phó Chủ tịch UBND phường Kim Liên, quận Đống Đa):
Nên tạo điều kiện cho người dân...
Hiện tại, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ cá nhân còn khá phức tạp, nhiều trường hợp là đất sử dụng lâu năm, ổn định, không tranh chấp, nhưng vì nhiều lý do không được cấp sổ đỏ như vướng quy hoạch (trong đó có những quy hoạch treo nhiều chục năm), không đủ giấy tờ vì thất lạc, hư hỏng... Trong khi đó, nhiều ngôi nhà xây dựng đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Việc gì có lợi cho dân thì cần phải làm để người dân có điều kiện cải thiện nơi ăn chốn ở, nâng cao đời sống. Tất nhiên, nếu quy định này được thực thi thì trách nhiệm của cấp xã, phường càng nặng nề hơn. Muốn xác minh đúng, đầy đủ những thông tin liên quan đến thửa đất xin phép xây dựng, đòi hỏi phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn...
Bà Phạm Thúy Vân (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy):
Quá sức cán bộ xã, phường
Nếu thực hiện theo dự thảo này sẽ có rất ít cán bộ xã, phường, thị trấn đảm trách được công việc nặng nề và phức tạp này. Xác minh nguồn gốc thửa đất, quá trình sử dụng ổn định hay không, có tranh chấp hay không là việc không hề đơn giản. Tạo điều kiện cho người dân được cải thiện chỗ ở là việc cần làm, song nếu không quản lý chặt chẽ sẽ phát sinh nhiều kẽ hở, nhất là đối với công tác quản lý đất đai, nhà cửa vốn đã quá phức tạp và nhạy cảm. Hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý trật tự xây dựng, đất đai cấp xã, phường, thị trấn ở Hà Nội vốn đã yếu và thiếu, nhất là đối với các xã ngoại thành, làm sao họ có thể làm tốt, làm đúng được công việc nặng nề đó. Theo tôi, nếu muốn triển khai như dự thảo, trước hết phải tính đến việc đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.