Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cân nhắc thêm quy định về lãi suất

H.Vân| 22/05/2010 18:55

(HNMO) – Ngày 22/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Một vấn đề được các đại biểu quan tâm là quy định về lãi suất trong dự luật có thể dẫn tới sự hiểu rằng, phí và lãi suất được thả nổi.


Tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua, bán, chuyển nhượng cổ phần

Trước khi thảo luận, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Theo báo cáo giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý khoản 2 Điều 8 liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật theo hướng: “Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán thực hiện theo quy định của Chính phủ.”

Về yêu cầu quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, dự thảo Luật quy định tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho người quản lý, người điều hành (thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng) hoặc pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát của tổ chức tín dụng cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng (khoản 1 Điều 126). Mục đích chủ yếu của các quy định này là nhằm hạn chế các hoạt động cấp tín dụng trong nội bộ một tổ chức tín dụng. Ngoài ra, dự luật cũng quy định rõ việc hạn chế tỷ lệ góp vốn: một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (Điều 55). Đây là những quy định mới nhằm hạn chế khả năng lũng đoạn của các tổ chức có thể kiểm soát được hoạt động của các ngân hàng thương mại thông qua việc nắm giữ số lượng lớn cổ phần tại ngân hàng.

Về mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (Điều 16), để quy định này phù hợp với cam kết của Việt Nam khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), dự luật các tổ chức tín dụng chỉ quy định về nguyên tắc chung, còn các quy định cụ thể về điều kiện, tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giao Chính phủ quy định để bảo đảm sự linh hoạt trong điều hành của Chính phủ, phù hợp với tình hình thực tế trong từng giai đoạn phát triển và điều kiện cụ thể của từng nhà đầu tư.

Liên quan đến quy định về quản trị điều hành (Chương III), do hoạt động của tổ chức tín dụng là hoạt động kinh doanh có điều kiện nên để bảo đảm an toàn cho toàn bộ hệ thống, việc chuẩn bị, lựa chọn nhân sự của tổ chức tín dụng phải theo một quy trình chặt chẽ. Vì vậy, việc cơ quan quản lý giám sát thận trọng đối với người quản lý, kiểm soát của tổ chức tín dụng thông qua các cơ chế chấp thuận, chuẩn y là cần thiết để đảm bảo những người này có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật khi đảm nhiệm chức vụ. Cơ chế chấp thuận danh sách dự kiến theo quy định tại Dự thảo là một bước cải cách căn bản so với quy định hiện hành theo hướng giảm bớt các thủ tục hành chính (từ việc thực hiện đồng thời hai thủ tục "chấp thuận trước" và "chuẩn y sau" như quy định hiện hành sang chỉ còn một thủ tục "chấp thuận trước" như dự thảo Luật). Cơ chế chấp thuận trước danh sách dự kiến như quy định tại dự thảo Luật không ảnh hưởng đến quyền quyết định của cổ đông, đại hội đồng cổ đông của tổ chức tín dụng vì quyền đề cử người vào danh sách dự kiến là của cổ đông; việc bầu, bổ nhiệm những người được đề cử vào chức danh quản lý, kiểm soát là toàn quyền của Đại hội đồng cổ đông; việc chấp thuận danh sách dự kiến của Ngân hàng nhà nước là một bước trong quá trình chuẩn bị nhân sự quản lý của tổ chức tín dụng (cổ đông đề cử người dự kiến gửi cho Hội đồng quản trị trước khi tiến hành Đại hội đồng cổ đông; Hội đồng quản trị tập hợp danh sách trình Ngân hàng nhà nước chấp thuận; Đại hội đồng cổ đông bầu). Do vậy, đề nghị giữ nguyên như Dự thảo.

Về phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng (Điều 91), để hạn chế sự lạm dụng của các tổ chức tín dụng trong hoạt động thu phí dịch vụ khi thị trường có những biến động phức tạp, dự thảo Luật quy định trong trường hợp cần thiết, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng và lợi ích của người tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Với hoạt động ngân hàng của ngân hàng thương mại (Điều 98), để tạo sự hài hòa giữa yêu cầu bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng với bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý Điều 98 để mở rộng phạm vi hoạt động của ngân hàng thương mại đối với các hoạt động thông thường mà một ngân hàng thương mại thường có như: phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, làm dịch vụ bao thanh toán trong nước và quốc tế; cung ứng dịch vụ thu hộ và chi hộ; chỉnh lý Điều 102 quy định về quyền tham gia hệ thống thanh toán liên ngân hàng trong nước, tham gia hệ thống thanh toán quốc tế …và nhiều điều luật khác có liên quan.

Về cơ bản, sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật đã quy định đầy đủ và cụ thể phạm vi hoạt động kinh doanh của ngân hàng, bao gồm các hoạt động ngân hàng (Điều 98) và các hoạt động kinh doanh khác (từ Điều 102 đến Điều 107). Các hoạt động mà ngân hàng thương mại đang thực hiện và dự kiến sẽ được thực hiện đã được thể hiện tại các quy định này. Theo đó, đối với các ngân hàng thương mại, ngay khi được cấp phép thành lập và hoạt động, ngân hàng thương mại có thể được thực hiện ngay 20 nhóm hoạt động kinh doanh; và chỉ có 6 nhóm hoạt động kinh doanh có nhiều rủi ro thì ngân hàng thương mại phải xin phép để được hoạt động.

Về việc cấm ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, thị trường vốn của Việt Nam còn rất non trẻ, trong khi đó nguồn vốn dài hạn trong nền kinh tế lại rất hạn chế, do vậy cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua, bán, chuyển nhượng cổ phần nhằm tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, qua đó thu hút nguồn vốn đầu tư vào cổ phiếu. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư, kinh doanh cổ phiếu là hoạt động rất rủi ro, do đó, để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng cần thiết phải quy định các điều kiện, giới hạn mà các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép cho vay hoạt động này. Việc giới hạn này sẽ được giao cho Ngân hàng Nhà nước quy định.

Ngoài ra, ngân hàng thương mại, công ty con của ngân hàng thương mại được mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác với điều kiện và trong giới hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Về quy định không đưa ra công luận việc tổ chức tín dụng bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt (khoản 4 Điều 147), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc cơ quan quản lý nhà nước công khai thông tin về việc một tổ chức tín dụng bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt là cần thiết nhưng cũng cần xem xét đến những tác động tiêu cực do tâm lý, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Vì vậy, cần cân nhắc về mức độ công khai thông tin và lựa chọn thời điểm thích hợp để công khai thông tin tránh gây tác động tâm lý tiêu cực cho xã hội và vấn đề này nên giao Ngân hàng nhà nước quy định cụ thể. Theo đó, khoản 4 Điều 147 của dự thảo Luật được chỉnh lý như sau: “Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể về việc công bố thông tin kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.”


Các đại biểu thảo luận tại hội trường - Ảnh: TTXVN


Cân nhắc thêm quy định về lãi suất


Góp ý cho dự luật sửa đổi lần này, đại biểu Cao Sĩ Kiêm - Thái Bình – đánh giá, các vấn đề được chỉnh sửa trong luật này đã được giải trình khá rõ ràng, chỉnh lý rất hợp lý, phù hợp với thực tế của đất nước, kể cả sự phát của các tổ chức tín dụng hiện tại và hướng đang phát triển theo tương lai, cũng như các thông lệ quốc tế mà Việt Nam đã cam kết và thực hiện.

Tuy nhiên, ông Kiêm cũng nhận xét, một số nội dung trong dự luật vẫn còn mang tính định hướng và những vấn đề xử lý, nhất là vấn đề cụ thể liên quan đến định lượng vẫn phải chờ hướng dẫn của Chính phủ, của Ngân hàng nhà nước.

Theo đại biểu Kiêm, còn một số đối tượng phi ngân hàng, nhưng có hoạt động ngân hàng, hay các đối tượng có hành vi liên quan, tác động trực tiếp đến việc thực thi chính sách tiền tệ chưa được điều chỉnh trong bất cứ luật nào, như vậy sẽ có thể tạo những lỗ hổng, có thể có những hành vi chưa được kiểm soát, chưa được một số luật hoặc chưa được luật này kiểm soát thì cũng có thể gây ra những điều không tốt hoặc là không lành mạnh cho hoạt động tài chính tiền tệ.

Ngoài ra, còn một số vấn đề rất cụ thể và rất cần phải cụ thể để đảm bảo cho hoạt động của các ngân hàng thương mại có điều kiện ngay, các tổ chức tín dụng căn cứ vào đây triển khai ngay thì còn đang đọng lại và phải chờ hướng dẫn, như vấn đề giới hạn sở hữu cổ đông, điều kiện để các ngân hàng cổ phần được mua, tham gia vốn lẫn nhau, giới hạn để cấp tín dụng với một khách hàng của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, giới hạn cho vay của tổ chức tín dụng đối với các hệ thống phi ngân hàng hay khách hàng có liên quan...

Vì vậy, kèm theo luật này, ngay từ bây giờ đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ khẩn trương soạn thảo những văn bản, những hướng dẫn kể cả nghị định, kể cả văn bản, thông tư hướng dẫn trước ngày có hiệu lực thi hành của luật này, tức là trước 01/01/2011 để khi đưa vào thực hiện luật này có hiệu lực thi hành thì tất cả các yếu tố thực hiện đã được đầy đủ để luật này đưa vào cuộc sống nhanh.

Quan tâm đến giới hạn sở hữu cổ phần của cá nhân, pháp nhân Việt Nam và của thể nhân và pháp nhân nước ngoài, đại biểu Nguyễn Đình Quyền - Hà Nội - cho rằng, việc quy định cá nhân Việt Nam thì 5%, pháp nhân Việt Nam 15% và thể nhân pháp nhân nước ngoài 30% là hoàn toàn không hợp lý.

Việc góp vốn mua cổ phần tại Điều 103 của dự luật cũng được đại biểu Quyền đánh giá là “một bước thụt lùi”.

“Luật hiện hành chúng ta đã ấn định số 11% của ngân hàng thương mại và công ty con của ngân hàng thương mại có thể được mua trong vốn điều lệ, nay chúng ta lại giao cho Ngân hàng Nhà nước quy định... Chúng tôi đề nghị tỷ lệ này cần được xác định ngay trong luật để bảo đảm tránh tùy tiện”, đại biểu Quyền nói.

Liên quan đến các vấn đề về lãi suất, đại biểu Lê Thị Nga - Thái Nguyên – băn khoăn khi quy định ở Khoản 2 và 3 của Điều 91 của dự luật có thể gây hiểu rằng, luật cho phép khách hàng và tổ chức tín dụng có quyền thỏa thuận về lãi suất, cho phép tự do hoá lãi suất và bỏ trần lãi suất.

“Chúng ta cần giải trình rõ thêm nếu chúng ta quy định về bỏ trần lãi suất và tự do hoá lãi suất, cần giải trình cho đại biểu rõ nếu định tự do hoá lãi suất thì mặt được và mặt chưa được ở chỗ nào, cái nào thuận lợi hơn”, đại biểu Nga đề nghị.

Cùng chung băn khoăn, đại biểu Phạm Thị Loan - TP Hà Nội – cũng đánh giá, quy định tại Điều 91 đồng nghĩa với việc để phí và lãi suất được thả nổi.

“Thật ra phí và lãi suất thả nổi trong thời kỳ này rất nguy hiểm, đặc biệt đối với doanh nghiệp. Theo kinh nghiệm vừa qua, có rất nhiều Ngân hàng thương mại nâng phí huy động và phí cho vay, dẫn đến trong hệ thống ngân hàng bị rối loạn tỷ lệ huy động, không phải tăng cường tỷ lệ huy động mà là từ ngân hàng nọ chuyển sang ngân hàng kia, rút từ ngân hàng nọ sang gửi ngân hàng kia, chúng ta cần phải có công cụ để điều tiết lãi suất và phí ngân hàng. Tôi đề nghị xem xét lại Điều 91”, đại biểu Loan nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cân nhắc thêm quy định về lãi suất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.