(HNMO) - Dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được trình Quốc hội kỳ này gồm có 11 chương với 98 điều. So với các luật về bầu cử hiện hành, dự án Luật này có 5 điều mới, 53 điều được sửa đổi, bổ sung, 40 điều được kế thừa giữ nguyên như hiện hành.
Đề nghị thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội
Dự thảo mới được trình Quốc hội kỳ này gồm có 11 chương với 98 điều. So với các luật về bầu cử hiện hành, dự án Luật này có 5 điều mới, 53 điều được sửa đổi, bổ sung, 40 điều được kế thừa giữ nguyên như hiện hành.
Về tiêu chuẩn đại biểu, số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị quy định về tiêu chuẩn và số lượng đại biểu Quốc hội trong Luật tổ chức Quốc hội; tiêu chuẩn và số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân trong Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Về Hội đồng bầu cử quốc gia, đây là một thiết chế mới được quy định trong Hiến pháp. Theo đó, dự thảo Luật đã thể chế hóa thành 8 điều, cụ thể là: quy định cơ cấu, tổ chức của Hội đồng bầu cử quốc gia; nguyên tắc hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia được quy định theo hướng cơ bản kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử ở trung ương trong Luật bầu cử hiện hành, với 3 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến công tác bầu cử, bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Dự thảo Luật cũng đã quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử quốc gia; mối quan hệ công tác; bộ máy giúp việc của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội thành lập. Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội bầu theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội; danh sách các thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia (Phó Chủ tịch và các Ủy viên) do Quốc hội phê chuẩn.
Để phục vụ cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị sau khi thông qua Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân vào kỳ họp thứ 9 thì tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ tiến hành thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia.
Về tuyên truyền, vận động bầu cử, dự thảo Luật đã cụ thể hóa và bổ sung quy định việc tuyên truyền, vận động bầu cử thành một chương riêng trên cơ sở Nghị quyết hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền vận động bầu cử, nguyên tắc thời gian vận động bầu cử, những hành vi bị cấm trong khi vận động bầu cử, phương thức tổ chức, hình thức tiến hành vận động bầu cử. Dự thảo Luật xác định rõ hai hình thức vận động bầu cử là: Vận động bầu cử thông qua Hội nghị cử tri do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức và vận động bầu cử trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cân nhắc thêm các tiêu chí khác để xác định người trúng cử
Thẩm tra dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban pháp luật tán thành với sự cần thiết, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật bầu cử cũng như phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật này như đã được nêu trong Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Dự thảo Luật cơ bản đã bám sát các quy định của Hiến pháp để cụ thể hóa các quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân, các quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia.
Về việc quy định về tiêu chuẩn, số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, nhiều ý kiến trong Ủy ban pháp luật tán thành với việc đưa quy định này vào Luật tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức chính quyền địa phương, sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua trong thời gian tới. Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn đề nghị quy định về tiêu chuẩn, số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân ngay trong Luật bầu cử để tiện cho công tác tuyên truyền, giáo dục và áp dụng pháp luật về bầu cử.
Về tiêu chuẩn đối với người ứng cử đại biểu, có ý kiến đề nghị cần cụ thể hóa hơn nữa tiêu chuẩn, điều kiện đối với người ứng cử đại biểu, có sự phân biệt giữa tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân để nâng cao chất lượng của đại biểu được bầu. Ngoài các tiêu chuẩn chung cho đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì cần quy định thêm các điều kiện cần và đủ cho người được cơ quan, tổ chức giới thiệu làm ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân ở từng cấp như về độ tuổi, trình độ học vấn, kinh nghiệm công tác… Ý kiến khác đề nghị cân nhắc kỹ để các điều kiện ứng cử không cản trở công dân thực hiện các quyền bầu cử, quyền ứng cử đã được Hiến pháp quy định.
Về Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban pháp luật cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Luật về cơ cấu, tổ chức cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia. Tuy nhiên, Luật cần quy định rõ hơn trách nhiệm của Hội đồng bầu cử quốc gia và của các cơ quan khác trong việc tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt trong công tác tổ chức bầu cử nói chung, nhất là khi các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân lại được tổ chức trong cùng một ngày.
Về các bước hiệp thương, giới thiệu người ra ứng cử, Ủy ban đề nghị có thêm những cải tiến cụ thể để có thể rút gọn hơn nữa các bước trong hiệp thương cũng như phân bổ thời gian hợp lý cho việc tổ chức các hội nghị hiệp thương, hội nghị lấy ý kiến cử tri để làm cơ sở cho việc giới thiệu người ra ứng cử (bởi thời gian dành cho chuẩn bị bầu cử ở nước ta đang có xu hướng ngày càng kéo dài thêm, trước đây chỉ có tối thiểu là 90 ngày, nay đã tăng lên là 105 ngày và dự kiến sẽ tiếp tục tăng thành 115 ngày theo quy định mới trong dự thảo Luật).
Về tuyên truyền, vận động bầu cử, nhiều ý kiến nhất trí với quy định về hai hình thức vận động bầu cử là người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương nơi mình ứng cử tổ chức và vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, có ý kiến còn băn khoăn về việc quy định giới hạn chỉ có hai hình thức vận động bầu cử nói trên sẽ hạn chế khả năng, cơ hội để người ứng cử được tiếp cận, giới thiệu về mình đến cử tri. Ngoài ra, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong vận động bầu cử cũng chưa thật sự đầy đủ, chưa dự liệu hết các khả năng có thể phát sinh trên thực tế.
Về nguyên tắc xác định người trúng cử, dự thảo Luật tiếp tục quy định trong trường hợp nhiều người được số phiếu bằng nhau thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử. Tuy đây là quy định hiện hành, nhưng có ý kiến đề nghị Quốc hội cân nhắc thêm các tiêu chí khác để xác định người trúng cử trong trường hợp có cùng số phiếu bầu, ví dụ như ưu tiên người trẻ tuổi hay ứng cử viên là nữ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.