(HNMO) - Sáng 17-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.
Luật có làm tăng biên chế, ngân sách?
Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở quy định các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã không chuyên trách kết thúc nhiệm vụ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được sắp xếp, bố trí thống nhất thành một lực lượng với tên gọi chung là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Thảo luận tại hội trường, một số đại biểu bày tỏ sự đồng tình với việc ban hành Luật. Đại biểu Đào Thanh Hải (Đoàn Hà Nội) cho biết, xuất phát từ thực tế, nếu không luật hóa quy định về các lực lượng này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng công an chính quy trong thực hiện nhiệm vụ tại địa phương. Ngoài ra, sau khi có Luật, một lực lượng làm nhiều nhiệm vụ, một người làm nhiều việc, bảo đảm đúng yêu cầu giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở.
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn việc Luật sẽ làm tăng biên chế, gây gánh nặng cho ngân sách. Nêu số liệu lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở sẽ giảm 500 nghìn người so với hiện tại nếu Luật được ban hành, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) cho rằng con số này chưa thuyết phục. Đại biểu đưa ra phân tích, theo Pháp lệnh Công an xã thì hiện nay chỉ có 126 nghìn công an xã không chuyên trách; bảo vệ dân phố chỉ có ở phường, thị trấn với con số khoảng hơn 70 nghìn người; chỉ 23% địa phương thành lập các đội dân phòng với khoảng 500 nghìn người.
Trong đó, đại biểu nêu chỉ công an xã không chuyên trách và bảo vệ dân phố là có chế độ thường xuyên, còn dân phòng chỉ được hưởng chế độ khi thực hiện công tác, bồi dưỡng nghiệp vụ. “Như vậy thực tế 3 lực lượng này hiện nay chỉ có gần 700 nghìn người, số lượng người tăng thêm để hưởng ngân sách hằng tháng là hơn 800 nghìn người, chưa kể việc xây dựng trụ sở, trang bị cho lực lượng sẽ là gánh nặng cho ngân sách địa phương”, đại biểu khẳng định. Đại biểu cũng cho rằng, Luật cũng chưa đánh giá đúng tác động của Luật đến tình hình thực tế hiện nay.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, khi 3 lực lượng trên nhập lại sẽ làm giảm chi ngân sách như tờ trình dự án Luật là không có cơ sở. Đại biểu nêu thực tế, chế độ cho lực lượng bảo vệ dân phố mỗi địa phương chi trả theo khả năng của địa phương nhưng đa số vẫn thấp; lực lượng công an xã đang có xu hướng nghỉ việc sau khi công an chính quy được bố trí; lực lượng dân phòng thì hầu như không có chế độ. “Tờ trình dự án Luật nêu sẽ giảm chi ngân sách mỗi tháng khoảng 375 tỷ đồng là không có cơ sở khi số lượng người thực tế là tăng chứ không giảm”, đại biểu nói.
Làm rõ vị trí của các tổ chức quần chúng khác
Theo đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh), việc tổ chức thí điểm lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở trong thời gian nhất định, tại một số địa phương để có tổng kết đánh giá sự cần thiết cũng như tính khả thi trước khi ban hành Luật.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị trước khi đặt ra vấn đề thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở cần có tổng kết đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã để có cơ sở đánh giá sự cần thiết ban hành Luật.
Thảo luận về dự thảo Luật, đại biểu Bùi Thị Thủy (Đoàn Thanh Hóa), đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) và một số đại biểu khác nhận định, dự án Luật chủ yếu điều chỉnh, sắp xếp đối với 3 lực lượng, không điều chỉnh đối với các tổ chức quần chúng khác tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở nhưng không tự nguyện tham gia lực lượng này. “Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật bảo đảm đầy đủ, bao quát các đối tượng”, đại biểu Bùi Thị Thủy nói.
Đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) đặt câu hỏi: “Liệu các lực lượng quần chúng khác có được tham gia giữ gìn an ninh trật tự cơ sở hay không, trong khi chúng ta đang huy động xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Bên cạnh đó, đại biểu Bùi Quốc Phòng (Đoàn Thái Bình), đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cũng cho rằng đây là lực lượng quần chúng tự nguyện nhưng nhiều quy định trong dự thảo Luật chưa phù hợp với vị trí, tính chất tự nguyện, do đó dự thảo Luật cần làm rõ vấn đề này.
Tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, thực tế các lực lượng trên đã tồn tại từ lâu và đang ngày càng phát triển, là các lực lượng quan trọng để thực hiện phương châm “4 tại chỗ” ở cơ sở.
Đối với các tổ chức quần chúng tự nguyện tham gia bảo đảm an ninh, trật tự khác, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết Chính phủ cũng thấy rằng cần nghiên cứu, đánh giá một cách thận trọng, toàn diện để có đủ cơ sở quy định trong Luật. “Khi Luật này ra đời sẽ không hạn chế trách nhiệm tổ chức cá nhân khác tham gia phong trào bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”, Đại tướng Tô Lâm khẳng định.
Về vấn đề tăng chi phí, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an tiến hành thống kê theo quy định thì toàn bộ 3 lực lượng trên có khoảng 2 triệu người, khi Luật ban hành sẽ giảm đi 500 nghìn người...
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết đã có 22 đại biểu phát biểu thảo luận, 8 đại biểu phát biểu tranh luận. Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo xin ý kiến đại biểu Quốc hội để quyết định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.