(HNMO) - Các đại biểu QH băn khoăn với quy định về việc tổ chức, cá nhân khi kinh doanh BĐS phải thành lập DN, hoặc hợp tác xã có vốn pháp định do Chính phủ quy định...
Về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đa số các đại biểu tán thành với việc cần phải sửa đổi Luật Nhà ở hiện hành để phát triển đa dạng và hài hòa các loại hình nhà ở phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của từng nhóm đối tượng trong xã hội. Đồng thời, tăng cường sự quản lý thống nhất của trung ương đi đôi với phân cấp và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, bảo đảm công khai, minh bạch trong phát triển và quản lý sử dụng nhà ở...
Đáng chú ý, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với với nội dung quy định về quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Theo các đại biểu, quy định này đã khuyến khích kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thu hút nhân tài, nguồn lực, kinh nghiệm cho đầu tư, phát triển đất nước, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần quy định điều kiện chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng, đặc biệt là tại địa bàn, khu vực trọng yếu.
Về chính sách phát triển nhà ở công vụ, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, vốn ngân sách nhà nước còn hạn chế, không nên phát triển nhà ở công vụ một cách tràn lan, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Chỉ những trường hợp thực sự cần thiết mới phải sử dụng nhà công vụ. Những trường hợp khác có thể tính vào lương để trả cho cán bộ, công chức, viên chức khi được điều động, luân chuyển để đảm bảo công bằng cho mọi đối tượng khi thực hiện công vụ được giao.
“Luật nên thiết kế lại chế định nhà ở công vụ theo kiểu có một công ty cho thuê nhà công vụ. Một người được bố trí công tác sẽ được giới thiệu tới công ty cho thuê nhà công vụ, nhà nước có thể hỗ trợ kinh phí một phần, không phải toàn bộ như hiện nay” – Đại biểu Chu Sơn Hà – Hà Nội nói.
Cho ý kiến về dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi), các đại biểu tán thành với việc cho phép bán, cho thuê… nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai. Quy định này đã tạo điểu kiện cho bên thuê bất động sản chủ động tham gia với chủ đầu tư trong việc hoàn thiện thiết kế, tránh tình trạng phải cải tạo, sửa chữa cho phù hợp với mục đích thuê, gây tốn kém, lãng phí. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng hình thức này rất dễ nảy sinh tranh chấp. Vì thế, dự thảo cần có các quy định chặt chẽ, nhất là các quy định liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua, thuê, thuê lại, thuê mua bất động sản, có thể mua bảo hiểm để tránh rủi ro cho khách hàng.
Các đại biểu cũng băn khoăn với quy định về việc tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp, hoặc hợp tác xã có vốn pháp định do Chính phủ quy định nhưng không thấp hơn 50 tỷ đồng. Theo các đại biểu, vốn pháp định 50 tỷ đồng khá cao, gấp hơn 8 lần so với quy định hiện hành nên các doanh nghiệp đang kinh doanh bất động sản có số vốn 6 tỷ đồng sẽ phải bổ sung một lượng vốn không nhỏ. Hơn nữa, các loại dự án bất động sản khác nhau về quy mô, tính chất, công năng, mục đích đầu tư cũng như tổng mức đầu tư…, việc ấn định vốn pháp định 50 tỷ đồng vô hình chung đã khống chế quyền tự do chọn mô hình kinh doanh của nhà đầu tư.
“Dự luật nên điều chỉnh vốn pháp định không thấp hơn 20 tỷ đồng và Chính phủ quy định vốn pháp định cho từng thời kỳ để phù hợp thực tế”, đại biểu Nguyễn Minh Quang – Hà Nội đề xuất.
Chiều nay, các đại biểu Quốc hội sẽ nghe trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề và thảo một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.