(HNMO) - Sáng 8-9, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiến hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.
Kiên quyết khắc phục tình trạng chậm gửi hồ sơ, tài liệu
Trình bày tờ trình, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, qua tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nội quy năm 2015, nhiều quy định vẫn đang phát huy hiệu quả. Trên cơ sở thực tiễn và quán triệt quan điểm, mục đích sửa đổi, đề nghị bổ sung 10 điều, sửa đổi 42 điều, kế thừa nguyên văn 5 điều (tăng 1 điều so với nội quy hiện hành).
Đáng chú ý, dự thảo quy định tiêu chí, điều kiện để chủ tọa, người điều hành phiên họp tiến hành phiên họp; bổ sung quy định hình thức biểu quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử trên thiết bị di động; giảm thời gian đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn; không được sử dụng quyền tranh luận để nêu câu hỏi chất vấn hoặc tranh luận với đại biểu đã chất vấn trước đó; đại biểu Quốc hội, khách mời không sử dụng các thiết bị nghe nhìn cá nhân, điện thoại di động trong phiên họp kín, phiên họp về nội dung nhân sự…
Báo cáo ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc sửa đổi nội quy kỳ họp với 32 nhóm vấn đề mới đã cơ bản đáp ứng mục đích, yêu cầu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra; phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, cơ bản bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật…
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết, trước thực trạng trong các kỳ họp một số đại biểu đăng ký tranh luận nhưng khi phát biểu thì lại nêu quan điểm mà không phải là tranh luận hoặc lách quy định để được ưu tiên phát biểu trước, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) cũng lưu ý nội dung quy định chủ tọa, người được phân công điều hành phiên họp tại kỳ họp yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng tranh luận, nếu đại biểu Quốc hội không phát biểu tranh luận, chất vấn đúng nội dung và sử dụng quyền tranh luận để nêu câu hỏi chất vấn.
Về khách mời tham dự kỳ họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc mời thêm Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố dự các phiên chất vấn. “Nếu làm được điều này chất lượng phiên chất vấn sẽ tốt hơn”, đại biểu nói và mong muốn Ban soạn thảo cân nhắc kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có 5 đại biểu phát biểu tại mỗi phiên thảo luận hội trường.
Cho rằng, dự thảo Nghị quyết cần cương quyết khắc phục tình trạng chậm gửi tài liệu, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nêu rõ, việc gửi chậm tài liệu đã trở thành vấn đề tồn tại ở mỗi kỳ họp, khiến các đại biểu Quốc hội không thể nghiên cứu kỹ tài liệu. “Cần làm rõ, quy định thật cụ thể các chế tài đối với những cơ quan, đơn vị gửi chậm trong dự thảo Nghị quyết, thể hiện sự cương quyết, khắc phục bằng được vấn đề này”, đại biểu nhấn mạnh...
Cần quan tâm hơn đến bạo lực trẻ em
Báo cáo một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về quy định hành vi bạo lực gia đình, hầu hết các hành vi bạo lực gia đình đều được thể hiện dưới dạng cụ thể của bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục hoặc bạo lực kinh tế. Tuy nhiên, có hành vi bạo lực tác động đến người bị bạo lực gia đình dưới dạng đan xen nhiều hình thức khác nhau, do vậy, nếu quy định khái quát thành 4 nhóm hành vi bạo lực gia đình thì có thể trùng lặp, bỏ sót hoặc không bao quát hết các hành vi bạo lực gia đình.
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cho phép chỉnh lý dự thảo luật theo hướng bổ sung quy định chủ tịch UBND cấp xã tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc “khi có căn cứ hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình từ chối”.
Về việc bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện những công việc phục vụ lợi ích cho cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cộng đồng và do cộng đồng quyết định là cần thiết, không phải là lao động cưỡng bức.
Thảo luận về nội dung của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị, dự thảo cần quy định rõ hơn khái niệm về bạo lực gia đình, theo hướng quy định bao hàm trọn vẹn, toàn bộ những hành vi được quy định trong dự thảo; bảo đảm thống nhất với tất cả các hành vi quy định trong Bộ Luật hình sự về những tội danh hành hạ, ngược đãi cha mẹ, vợ chồng, con cái, ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, tội làm nhục người khác…
Còn đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nhận thấy, dự thảo Luật chưa thực sự chú trọng đến đối tượng trẻ em - đối tượng dễ bị bạo lực gia đình và thực tế hằng năm, số lượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình là rất lớn. Do đó đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo rà soát kỹ và có những quy định riêng phù hợp hơn với nạn nhân bạo lực gia đình là trẻ em, thống nhất với nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình là ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là trẻ em, phụ nữ có thai...
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) cho rằng, cơ quan soạn thảo cần phải rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng quy định này để đảm bảo với quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình về quyền và nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục con cái của cha mẹ. Đồng thời cũng làm rõ khái niệm như thế nào là lao động quá sức, học tập quá sức và hậu quả của việc ép buộc này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.