(HNM) - Bộ VH,TT&DL vừa chỉ đạo Tổng cục TDTT và UB Olympic Việt Nam thông báo cho OCA (UB Olympic Châu Á) về việc Việt Nam chính thức tham gia giành quyền đăng cai ASIAD 18 - 2019 tại Việt Nam...
Nhiều sân vận động, nhà thi đấu cần được đầu tư nâng cấp để có thể giành quyền đăng cai ASIAD 18 năm 2019. Ảnh: Viết Thành |
- Thưa ông, trong cuộc trò chuyện đầu xuân với độc giả của Báo Hànộimới cách đây tròn một năm, ông đã phân tích khá chi tiết về cơ hội của Việt Nam trong cuộc chạy đua giành quyền đăng cai ASIAD 18-2019. Đến thời điểm này, diễn tiến quá trình xin đăng cai đã được thực hiện đến đâu? Chúng ta sẽ phải tiếp tục việc này thế nào nếu muốn giành được quyền đăng cai ASIAD 18-2019?
- Lẽ thường, có cơ hội để đăng cai ASIAD là quý lắm và các nước phải cạnh tranh vô cùng quyết liệt mới giành được quyền đăng cai. Ví như Qatar, để giành được quyền đăng cai ASIAD 14-2006, họ phải trải qua không biết bao nhiêu vòng bỏ phiếu để vượt qua Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ và Malaysia. Hàn Quốc đã rất khéo léo trong việc vận động hành lang mới vượt qua được Ấn Độ để được quyền đăng cai ASIAD 2014 tới đây. Nhưng, lúc này, tôi có thể khẳng định OCA đang muốn trao quyền đăng cai ASIAD 18-2019 cho Việt Nam, bởi lẽ đối thủ của chúng ta trong cuộc đua đăng cai ở thời điểm này chỉ còn Đài Loan (Trung Quốc). So với vùng lãnh thổ này, Việt Nam có lợi thế hơn hẳn về mọi mặt, nhất là sự ổn định về chính trị, an ninh.
Tuy nhiên, dù có ưu thế đáng kể, nhưng tôi được biết trong bối cảnh kinh tế đất nước và thế giới đang gặp nhiều khó khăn, Bộ VH,TT&DL đang cân nhắc việc chạy đua đăng cai. Sắp tới, vào ngày 9-2, đoàn lãnh đạo cấp cao của OCA sẽ sang Việt Nam kiểm tra các điều kiện chuẩn bị đăng cai ASIAN Beach Games 2016 và tất nhiên, họ sẽ có những trao đổi về việc đăng cai ASIAD 18-2019 của Việt Nam vì việc nước nào là chủ nhân của ASIAD 18 sẽ phải được quyết định trong năm 2012. Trong dịp này, phía Việt Nam cũng sẽ phải đặt vấn đề với OCA về việc cân nhắc thay đổi tỷ lệ, phương thức đóng góp kinh phí để đăng cai ASIAD cho phù hợp với tình hình hiện nay. Hy vọng OCA có thể hiểu và chia sẻ vấn đề này. Nếu Việt Nam tiếp tục có ý định đăng cai thì sẽ được hưởng những điều kiện nhẹ nhất có thể. Còn nếu OCA vẫn bảo lưu các yêu cầu khắt khe về kinh phí hoặc xuất hiện một quốc gia nào muốn đăng cai ASIAD này thì chúng ta có thể xin Chính phủ cho rút lui khỏi cuộc chạy đua…
- Ông có thể nói rõ hơn, OCA yêu cầu những gì đối với Việt Nam?
- OCA có những quy định chung cho các quốc gia chạy đua đăng cai ASIAN Games. Nhưng có thể kể sơ sơ vài điều kiện khắt khe nhất mà OCA yêu cầu là: nước đăng cai phải nộp 15 triệu USD vào quỹ giúp phát triển thể thao của các nước tham gia đại hội; phải tài trợ miễn phí toàn bộ cho mỗi quốc gia hoặc vùng lãnh thổ 30 vé máy bay và ăn ở miễn phí cho 30 thành viên. Ngoài ra, giá trị của thương quyền và bản quyền truyền hình của đại hội phải được trích 1/3 cho OCA… Nước đăng cai chỉ được nhận 2/3. Đây đều là những yêu cầu trước đây nước nào cũng phải thực hiện, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì quá nặng. Qua trao đổi sơ bộ với Văn phòng của OCA, tôi đã nhận được những tín hiệu khả quan về việc OCA có thể sẽ giảm nhẹ các yêu cầu để phù hợp hơn với tình hình kinh tế khó khăn chung trên toàn cầu hiện nay, bao gồm cho phép nước đăng cai được đưa ra 1-2 môn thể thao mà mình có ưu thế, miễn sao có ít nhất 4 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.
- Người Hy Lạp từng tổ chức Olympic Athens 2004 rất thành công, nhưng hiện nay, họ đang gặp khó khăn nghiêm trọng về vấn đề nợ công. Điều này phần nào đã khiến các nước lo ngại khi xin đăng cai các đại hội lớn, nhất là ở thời điểm hiện tại. Ông nghĩ thế nào về chuyện này? Để có thể giành quyền đăng cai và tổ chức ASIAD 18-2019 thành công, ông dự tính Việt Nam sẽ phải đầu tư bao nhiêu kinh phí?
- Chuyện của Hy Lạp đúng là khiến nhiều người rất băn khoăn, dù rằng nguyên nhân khủng hoảng nợ công của họ còn là ở việc họ vay quá nhiều hoặc nạn tham nhũng, hay việc quá cầu kỳ trong khâu tổ chức... Nhưng chúng ta cũng có thể rút kinh nhiệm từ họ như: lễ khai mạc - bế mạc không nhất thiết phải đầu tư quá nhiều, chúng ta có thể tận dụng lợi thế bản sắc văn hóa các dân tộc - điều mà Bộ VH,TT&DL thừa sức thực hiện.
Trong bối cảnh đất nước còn khó khăn, các nhà quản lý và chuyên môn đã tính toán để đưa ra mức chi phí cho việc đăng cai ASIAD 18-2019 thu gọn vào khoảng 2.000 tỷ đồng, chỉ bằng 1/20 của ASIAD 16 - Quảng Châu - 2010. Đáng chú ý, trong con số 2.000 tỷ đồng ấy, số tiền trực tiếp chi cho công tác tổ chức chiếm tỷ lệ không lớn. Bởi dù tổ chức ASIAD hay không, chúng ta chắc chắn phải tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vệ tinh để đạt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Hay như các công trình, cơ sở vật chất ngành thể thao được đầu tư dịp SEA Games 22-2003, ASIAN Indoor Games 3- 2009 ở thời điểm năm 2019 chắc chắn cần phải được đầu tư kinh phí nâng cấp để bảo đảm chất lượng và hiệu quả sử dụng…
Trên tất cả, phải kể đến những lợi ích khó có thể cân đong đo đếm hết nhờ việc đăng cai thành công Á vận hội - một đại hội tầm cỡ, được đánh giá là chỉ dưới tầm Thế vận hội Olympic. Đó sẽ thực sự là một "cú hích lịch sử" của đất nước về chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội, chứ không riêng gì thể thao. Đó cũng là dịp để quảng bá đất nước, con người Việt Nam, khả năng và trình độ tổ chức của người Việt Nam.
Với mọi nhẽ thiệt - hơn ấy, nếu OCA "thiện chí" trong việc giảm chi phí đăng cai, tôi hy vọng rằng Bộ VH,TT&DL, Tổng cục TDTT sẽ tiếp tục bàn để nhận đăng cai ASIAD 18-2019.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi. Hy vọng sẽ có những tín hiệu tích cực từ OCA trong cuộc làm việc vào trung tuần tháng 2 tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.