Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cân nhắc để không chệch hướng

Nữ Quỳnh| 18/07/2015 06:24

(HNM) - Dự thảo mô hình trường học mới do Bộ GD-ĐT vừa đưa ra với việc thay đổi cách gọi "lớp trưởng" là "chủ tịch" đã làm "nóng" dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Có lẽ những người đưa ra ý tưởng như vậy đã đặt kỳ vọng ở một sự thay đổi có tính đột phá với mô hình "trường học mới", được cho là có nhiều tính ưu việt, trong đó có cả việc "nho nhỏ" như cách thức tổ chức lớp học. Thế nhưng, hầu hết ý kiến không đồng tình với việc đưa mô hình "chủ tịch", "hội đồng tự quản" vào môi trường tiểu học. Nhiều người cho rằng lứa tuổi này chưa hiểu được thế nào là "chủ tịch", là "hội đồng". Thậm chí, có phụ huynh lo ngại cách gọi này dễ tạo nên những ảo tưởng ở trẻ về quyền lực, gây tâm lý kiêu căng và làm mất đi sự hồn nhiên của chúng.

"Lớp trưởng" hay "chủ tịch" ở một khía cạnh chỉ là tên gọi, và nếu chỉ vì lo ngại con trẻ nhiễm thói háo danh mà bài loại thì có lẽ cũng chưa công bằng với những người có tư tưởng mới. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vấn đề từ cái tên thì không nhất thiết phải có sự thay đổi. Bởi lẽ mô hình lớp trưởng, lớp phó và tổ trưởng, tổ phó dường như ăn sâu vào tâm thức của nhiều thế hệ học trò. Nó giản dị, dễ hiểu và cũng hàm chứa đủ ý nghĩa. Thế nên việc đổi sang mô hình giống như một công ty hay tổ chức kinh tế khiến nhiều người cho rằng nó vượt khỏi phông kiến thức của các em và thói quen của xã hội. Cơ sự trở nên phức tạp.

Chúng ta đang hướng tới đổi mới mô hình dạy và học. Ngành giáo dục chủ trương trao quyền tự chủ cho nhà trường và giáo viên trong việc tổ chức chương trình dạy học. Đó là điều nên làm. Thực tế hiện nay, ở nhiều trường tư thục, nhà trường đã lấy học trò làm trung tâm trong các hoạt động, áp dụng việc luân phiên bầu lớp trưởng, nhóm trưởng theo tuần, theo tháng. Học sinh có thành thích tốt, tự tin có thể tự ứng cử, hoặc sẽ được tập thể bầu chọn. Có trường còn tổ chức cho học sinh "tranh cử" và "vận động tránh cử". Những việc làm như vậy góp phần tạo sự tự tin và ý chí phấn đấu trong học sinh. Nhưng việc thay đổi, áp dụng đại trà tên gọi cho học sinh đứng đầu lớp có cần thiết hay không là điều cần cân nhắc. Nếu thực hiện chỉ vì mục tiêu cho kịp một chủ trương (đổi mới) thì càng cần xem xét lại.

Giáo dục luôn cần đổi mới, nhưng đổi mới không phải lấy hình thức khỏa lấp nội dung. "Trẻ em như búp trên cành, biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan". Đừng vì sự thôi thúc đổi mới mà vô tình lấy đi sự trong sáng trong tâm hồn các em, hoặc giả làm chệch hướng mục tiêu của giáo dục!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cân nhắc để không chệch hướng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.