Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần ngay phương án quản lý quỹ đất

Sơn Trà| 27/04/2011 06:38

(HNM) - Ngày 20-4-2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 611/TTg-KTN đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường trục Tây Thăng Long, đoạn qua địa phận huyện Đan Phượng và huyện Phúc Thọ theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

Vui mừng vì Hà Nội sắp có thêm một đại lộ mới, nhưng từ những công trình đã được thực hiện trước đó, dư luận không khỏi lo lắng cho chất lượng của công trình tốn kém nhiều nghìn tỷ đồng này...

Tiến sĩ kinh tế Phạm Mạnh Thùy (phường Quan Hoa, Cầu Giấy):
Tạo tiền đề cho các địa phương phát triển kinh tế

Tuyến đường trục Tây Thăng Long - Ba Vì khi được hoàn thành sẽ giúp các địa phương ở khu vực này phát triển kết cấu hạ tầng một cách nhanh chóng, qua đó giảm sự chênh lệch về hạ tầng kinh tế giữa các vùng của Thủ đô. Cùng với đại lộ, các khu công nghiệp, khu đô thị vệ tinh sẽ hình thành, giúp địa phương có nhiều cơ hội phát triển nền kinh tế đa thành phần. Đặc biệt, sự thuận tiện của giao thông sẽ là tiền đề khai thác tiềm năng cả về nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp. Sản xuất phát triển, cơ hội việc làm cho người lao động tăng cao, dần dần chuyển đổi cơ cấu dân cư, phát triển dân trí. Ở bất cứ đâu, việc xây dựng đường giao thông, nâng cao chất lượng hạ tầng kiến trúc đều mang lại hiệu quả tích cực cho nền kinh tế. Vấn đề chỉ là huy động và quản lý vốn để xây dựng có hiệu quả mà thôi.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền (kinh doanh dịch vụ du lịch, quận Hoàn Kiếm):
Cơ hội phát triển du lịch xanh

Mấy năm gần đây, chúng tôi thường tổ chức các tour du lịch có điểm đến là trang trại, nhà đồi, khu sinh thái trên địa bàn Sơn Tây, Ba Vì, dưới hình thức "du lịch nông thôn", "du lịch xanh", "du lịch sinh thái"... Các mô hình này không chỉ thu hút khách nước ngoài mà cả rất nhiều khách trong nước. Tuyến đường phía tây Hà Nội được mở sẽ là một hướng đi tuyệt vời để khai thác tiềm năng "du lịch xanh" của Thủ đô.

Ông Hoàng Vĩnh Nam (Công ty Kinh doanh bất động sản Vĩnh Nam):
Cần khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế

Thông thường, mỗi thông tin về tuyến đường mới mở được phê duyệt sẽ kéo theo những biến động về bất động sản hai bên tuyến đường đó. Nhiều dự án, khu đô thị "đón đầu" quy hoạch mở đường đã và đang thành dự án treo như khu Nam An Khánh bên Đại lộ Thăng Long. Mặc dù mặt bằng ở đây đã được mua đi, bán lại nhiều lần, sinh nhiều lần lợi nhuận cho các nhà đầu tư, nhưng dự án thì vẫn dậm chân tại chỗ, kết cấu hạ tầng, mặt bằng... không được khai thác. Trên thực tế, nhiều lô đất hai bên các con đường mới mở đều đã có chủ, thậm chí qua không ít đời chủ, được "thổi giá" nhiều lần, song vẫn chưa đưa vào sử dụng, khai thác, dẫn đến lãng phí tài nguyên đất. Do vậy, cùng với việc mở đường, thành phố cần có ngay quy hoạch và phương án quản lý quỹ đất, khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế của hạ tầng nơi có trục đường đi qua.

Ông Nguyễn Minh Kính (Thạch Hòa, Thạch Thất):
Chú trọng chất lượng công trình

Đại lộ Thăng Long sau 5 năm xây dựng, đưa vào sử dụng được vài tháng đã xuất hiện nhiều khe nứt ngang đường, mặt đường thì gập ghềnh, mấp mô. Ban quản lý dự án đưa ra rất nhiều lý do: vết nứt tập trung ở một số điểm cầu chui dân sinh, nằm giữa điểm tiếp giáp của mố cầu và phần đường; phần đệm của các vết nứt kỹ thuật đã bị mục trong quá trình thi công; đường phải đưa vào khai thác sớm, rút ngắn thời gian lưu tải nhằm kịp tiến độ, lại có nhiều xe tải trọng lớn vận hành nên bị lún... Qua đó cho thấy, năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý, nhà thầu và cơ quan quản lý chưa đủ bảo đảm thi công một công trình lớn, có giá trị hàng nghìn tỷ đồng như vậy. Do vậy, triển khai xây dựng một đại lộ lớn như Tây Thăng Long, thành phố cần xem xét, đánh giá thật kỹ năng lực của các đơn vị tham gia đầu tư, xây dựng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần ngay phương án quản lý quỹ đất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.