Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần một “nhạc trưởng” (tiếp theo và hết)

Lê Hương| 16/10/2014 06:13

(HNM) - Kim ngạch xuất khẩu thủy sản và gạo của ĐBSCL hằng năm đều chiếm hơn 50% cả nước, ấy vậy mà vùng đất này vẫn bị cho là kém sức cạnh tranh, thiếu sức hút đối với các nhà đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.

Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Cà Mau Mai Hữu Chinh nói với chúng tôi: Kim ngạch xuất khẩu thủy sản và gạo của ĐBSCL hằng năm đều chiếm hơn 50% cả nước, ấy vậy mà vùng đất này vẫn bị cho là kém sức cạnh tranh, thiếu sức hút đối với các nhà đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Bằng chứng là vùng ĐBSCL chỉ thu hút được 736 dự án (từ năm 2008 trở lại đây), với tổng vốn hơn 10 tỷ USD, chiếm 5% toàn quốc. Tại sao lại như vậy? Ông Mai Hữu Chinh cho rằng nguyên nhân và trở ngại lớn nhất của toàn vùng là không có cảng biển nước sâu. Toàn bộ hàng hóa muốn xuất khẩu đều phải vận chuyển lên TP Hồ Chí Minh. Con tôm, con cua muốn tiêu thụ ra Hà Nội, miền Bắc hay xuất khẩu sang Trung Quốc cũng phải đi bằng đường bộ. Tính sơ sơ, giá chi phí đi đường bộ là 8 USD/tấn, trong khi đi đường thủy chỉ mất 5 USD/tấn. Chi phí cao khiến hàng hóa xuất khẩu của vùng ĐBSCL kém sức cạnh tranh. Và theo ông Mai Hữu Chinh, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thu hút đầu tư của toàn vùng bị hạn chế. "Để lựa chọn, chắc chắn nhà đầu tư nước ngoài sẽ chọn Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu vì các tỉnh này đều gần cảng biển, chi phí thấp. Còn ở đây, dù chúng tôi có trải thảm đỏ, ra sức mời gọi với những chính sách rất thông thoáng nhưng nhà đầu tư vẫn không đến" - ông Mai Hữu Chinh nói.

Chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng) - điểm du lịch hấp dẫn du khách. Ảnh: Chí Bảo


Có lẽ vì con đường đưa thủy hải sản, trái cây của ĐBSCL đến mọi miền đất nước còn gập ghềnh, xa xôi cách trở nên trong tiềm thức, doanh nghiệp chỉ chú trọng đến xuất khẩu mà thiếu quan tâm tới thị trường nội địa. Xin lấy một ví dụ, hiện nay sản xuất nông nghiệp của Hà Nội chỉ đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ của thị trường Thủ đô được 38% gạo, 18% trái cây tươi. Số lượng dự kiến phải nhập từ các tỉnh trong năm 2015 là 500.000 tấn gạo chất lượng cao, 330.000 tấn trái cây tươi. Trong khi đó, riêng tỉnh Sóc Trăng mỗi năm có thể cung cấp khoảng 200.000 tấn gạo đặc sản và 40.000 tấn trái cây tươi (xoài, chôm chôm, măng cụt, nhãn, chuối). Nhưng, nếu thống kê số lượng trái cây, gạo của Sóc Trăng nói riêng, vùng ĐBSCL có mặt tại Thủ đô, chắc chắn không nhiều. Số lượng tôm sú, tôm càng xanh, cua... của vùng ĐBSCL càng ít hơn. Một thị trường rộng lớn là Thủ đô và phía Bắc đang bị bỏ ngỏ, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Hữu Thắng cho rằng: "Đã đến lúc các doanh nghiệp nói riêng, chính quyền các tỉnh vùng ĐBSCL nói chung cần phải tính đến việc mở rộng cung cấp thủy sản và các sản phẩm chủ lực của mình cho thị trường Hà Nội, từ đó vươn ra thị trường các tỉnh phía Bắc".

Thiếu liên kết, tiềm ẩn rủi ro

Sự thiếu liên kết được thể hiện rõ nhất trong việc nuôi trồng và khai thác thủy sản. Đơn cử như con tôm, thấy hiệu quả kinh tế cao, nông dân ồ ạt nuôi không theo khuyến cáo của ngành chức năng, dẫn đến tình trạng sản lượng tăng nhanh trong khi cơ sở chế biến và khâu chuẩn bị cho thị trường tiêu thụ chưa tốt. Ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng, các địa phương chưa lập được quy hoạch của các ngành kinh tế mũi nhọn dẫn đến tình trạng thiếu liên kết, đầu tư một cách dàn trải, trùng lắp, không gian vùng bị chia cắt. Có một số lĩnh vực, sự phối hợp giữa các địa phương chưa thật gắn kết và hiệu quả, thiếu các cơ chế để tạo sự liên kết. Bên cạnh đó, tình hình tiêu thụ nông sản còn rất bấp bênh, giá bán thấp trong khi chi phí vật tư nông nghiệp không ngừng tăng, khiến đời sống nông dân gặp khó khăn. Chưa kể, nuôi trồng thủy sản luôn phải đối mặt với rủi ro về chất lượng con giống, thức ăn, dịch bệnh... Vì những nguyên nhân đó, sự tăng trưởng của ngành thủy sản chưa như mong đợi, tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhưng lại bộc lộ các yếu tố thiếu tính bền vững.

Sự thiếu liên kết cũng thể hiện rõ trong lĩnh vực du lịch. Tiềm năng, tài nguyên du lịch rất phong phú nhưng lại phát triển ì ạch bởi các sản phẩm na ná nhau. Các tỉnh rất lúng túng trong việc định hình đâu là sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương mình. Du khách chỉ cần đến một tỉnh là có thể biết hết sản phẩm du lịch của cả vùng. Chưa kể, cơ sở hạ tầng ngành du lịch còn thiếu đồng bộ, nguồn nhân lực vừa yếu, vừa thiếu... Du lịch ĐBSCL đang thiếu một "nhạc trưởng" để dẫn dắt cho toàn vùng.

Phải có giải pháp đồng bộ

Để xóa bỏ những điểm nghẽn, giải pháp đầu tiên Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Cà Mau Mai Hữu Chinh đề nghị Chính phủ đẩy nhanh việc quy hoạch, đầu tư xây dựng cảng biển nước sâu tại đảo Hòn Khoai (tỉnh Cà Mau) cho tàu trên 100.000 tấn có thể bốc dỡ hàng hóa, phục vụ cho toàn vùng và các nước bạn như Thái Lan, Campuchia. "Có cảng biển nước sâu thì dịch vụ, kinh tế của ĐBSCL mới phát triển, mới thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài" - ông Mai Hữu Chinh quả quyết.

Cùng với đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Dương Quốc Xuân nhấn mạnh tới giải pháp quy hoạch lại sản xuất theo vùng và quy mô liên kết vùng trên cơ sở gắn với cung - cầu và mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị nông sản dưới sự chủ trì, chỉ đạo, điều phối của Chính phủ. Cùng với đó, chính quyền các địa phương phải tạo môi trường để thiết lập mối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp; doanh nghiệp với người dân; người dân với người dân, từ đó hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm. Giải pháp mang tính lâu dài là các địa phương cần tập trung cải tạo nguồn giống; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong các khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến... kết hợp chuyển giao công nghệ tiên tiến để chọn lựa được giống cây, con có năng suất và chất lượng cao.

Để tạo nên sự liên kết trong phát triển du lịch của cả vùng cần sớm hoàn thiện và triển khai Đề án Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL đi kèm với thành lập Ban Điều phối phát triển du lịch vùng ĐBSCL. Được biết, dự thảo đề án này đã được đưa ra lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia. Sau khi được ban hành, đề án này sẽ xác định rõ hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù của vùng ĐBSCL theo cấp quốc gia và cấp vùng. Đây là cơ sở để phát triển các sản phẩm phù hợp với thị trường, bảo đảm khai thác thế mạnh của từng địa phương. Khi đó, Ban Điều phối sẽ đóng vai trò "nhạc trưởng" để khắc phục sự trùng lặp trong các sản phẩm du lịch, tạo ra nét riêng biệt hấp dẫn du khách cho từng địa phương và toàn vùng. Biện pháp quan trọng nữa là vùng ĐBSCL cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác đầu tư với các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần một “nhạc trưởng” (tiếp theo và hết)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.