(HNM) - Tòa nhà số 19, phố Bà Triệu, thuộc phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm được khởi công xây dựng từ đầu năm 2008. Có 29 hộ dân từ số nhà 13 đến số 17, phố Bà Triệu được "điểm danh" trong danh sách khảo sát của chủ đầu tư, trong đó có 18 hộ ở số nhà 17 bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Đến nay, khi tòa nhà xây dựng xong phần thô, phương án đền bù giữa chủ đầu tư với một số hộ vẫn chưa thống nhất, gây khiếu kiện phức tạp trên địa bàn.
Vết nứt tại tường nhà 17B, phố Bà Triệu. |
Báo Hànộimới nhận được đơn kiến nghị của ông Phạm Văn Xuân, thay mặt mẹ là cụ Phạm Thị Goòng, chủ sở hữu ngôi nhà 17, phố Bà Triệu và anh chị em trong gia đình phản ánh việc Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu nông sản (Naforimex) số 19, phố Bà Triệu xây dựng, gây lún nứt nhà liền kề, nhưng không đền bù thỏa đáng. Thậm chí cùng một ngôi nhà, chung móng, song phần ngoài lại được xây dựng mới hoàn toàn còn phần trong chỉ sửa chữa, trát vá. Một số diện tích nhà ở đã đền bù xong, tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề hơn, chủ đầu tư cũng đã khảo sát, nhưng không sửa chữa lại. Số diện tích chưa thống nhất được phương án đền bù, thì ngày càng lún nứt nghiêm trọng...
Theo giấy phép xây dựng số 387, ngày 19-12-2007 của Sở Xây dựng Hà Nội cấp cho Naforimex, thì công ty được phép xây dựng 6 tầng phía ngoài, 8 tầng phía trong và 2 tầng hầm. Trước khi công trình khởi công, UBND phường Tràng Tiền đã phối hợp với cơ quan chức năng, chủ đầu tư và Tổng Công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (đơn vị được thuê để bảo hiểm các thiệt hại về người và tài sản cho các công trình liền kề) tiến hành khảo sát hiện trạng số nhà 17B, phố Bà Triệu, liền kề công trình xây dựng của Naforimex. Sau đó chủ đầu tư đã thực hiện việc đền bù, khắc phục thiệt hại cho 8 hộ. Các hộ đã nhận tiền để tự sửa chữa, trong đó có hộ cụ Goòng, bà Gạo, bà Lê mà ông Xuân là đại diện. Đối với 3 hộ phía ngoài tòa nhà, chủ đầu tư đang thực hiện các thủ tục xin cấp giấy phép để cải tạo, sửa chữa. Còn hộ ông Phạm Duy Kính hiện cũng do ông Xuân đại diện, sau khi khảo sát hiện trạng, chủ đầu tư đã đề xuất mức bồi thường thiệt hại là 25 triệu đồng, nhưng gia đình chưa thống nhất. Ông Xuân đề nghị chủ đầu tư phải khảo sát, lên phương án đền bù lại phần diện tích đã đền bù xong của cụ Goòng, bà Gạo, bà Lê, mặc dù ngày 8-8-2009, ông đã ký biên bản nhận tiền và cam kết chấm dứt khiếu nại.
Liên quan đến việc đền bù thiệt hại do xây dựng công trình số 19, phần lớn nội dung báo cáo của UBND phường Tràng Tiền ngày 9-4-2010 đề cập đến trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Long ở số 17A, phố Bà Triệu. Theo Công ty cổ phần Giám định Vina Pacific, tổng mức thiệt hại của hộ ông Long là 19.633.000 đồng. Cuộc họp ngày 1-10-2009, Naforimex đã thông báo kết quả giám định cho ông Long, đồng thời đưa ra mức đền bù là 200 triệu đồng, song ông Long không nhất trí. Ngày 10-2-2010, gia đình ông Long đã dựng khung sắt trên vỉa hè trước cửa số nhà 17A, phố Bà Triệu để ở khi chưa được đền bù thỏa đáng và đề nghị Naforimex đền bù 500 triệu đồng. Ngay hôm sau, UBND phường Tràng Tiền đã tổ chức dỡ bỏ khung sắt đó. Công ty đã hỗ trợ cho ông Long 200 triệu đồng và thống nhất tiếp tục giải quyết trước ngày 31-3-2010. Tuy nhiên, đến nay hai bên vẫn chưa thống nhất được mức đền bù cụ thể. Ngoài ra, một số hộ dân ở số nhà 15, 17, phố Bà Triệu cũng chưa thống nhất được phương án đền bù với Naforimex.
Như vậy, việc đền bù thiệt hại do xây dựng công trình tại số 19, phố Bà Triệu vẫn chưa giải quyết xong, một số hộ không thống nhất với phương án đền bù của chủ đầu tư tiếp tục có đơn khiếu kiện. Qua sự việc trên cho thấy, mức độ ảnh hưởng ra sao, kết quả bồi thường thế nào cần căn cứ vào kết luận của cơ quan có thẩm quyền, không nên áp giá một cách tùy tiện, làm cho vụ việc càng thêm phức tạp. Thiết nghĩ, để xử lý dứt điểm vụ việc xung quanh công trình 19 Bà Triệu, cần một cơ quan giám định tin cậy, có uy tín do các bên liên quan thống nhất lựa chọn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.