(HNM) - Phát biểu trong phiên giải trình tại Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ngày 24-4 về việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học và vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, trong giai đoạn 2011-2014, trung bình mỗi năm có khoảng trên 400.000 sinh viên cao đẳng, đại học ra trường. Số lao động có trình độ đại học, cao đẳng trong độ tuổi lao động thất nghiệp trong thời gian qua tăng cao hơn so với số sinh viên tốt nghiệp và số có việc làm. Trong đó, số thất nghiệp năm 2014 so với năm 2010 tăng gần gấp đôi.
Chuyện sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học không xin được việc làm từ lâu đã trở thành vấn đề "nóng" của xã hội và nhiều lần được đề cập tại các kỳ họp Quốc hội. Nhiều ý kiến cho rằng tỷ lệ sinh viên ra trường tìm được việc làm thấp là do đào tạo quá nhiều ngành nghề mà không tính đến nhu cầu xã hội. Và cũng không ít ý kiến "bức xúc" bởi đào tạo theo kiểu mạnh ai người nấy làm không kiểm soát được đầu ra. Cách lý giải này xem ra không còn phù hợp khi Nhà nước thực hiện xã hội hóa giáo dục và thực hiện tự chủ ở các trường đại học công lập. Việc chọn ngành học nào, trường nào là do thí sinh và gia đình quyết định, không ai có thể chọn thay và cũng không có quyền đó, cơ quan chức năng chỉ có quyền khuyến cáo. Và khi họ tự chọn thì đương nhiên phải tự chịu trách nhiệm về quyết định đó. Với các trường dân lập, cơ quan chức năng chỉ không cho phép mở khoa này, khoa kia với điều kiện trường đó không đủ số giáo viên cơ hữu. Do đó, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học không có việc làm có nguyên nhân khác.
Có thể khẳng định nguyên nhân chủ quan đáng ngại nhất đối với phần lớn các tân cử nhân, kỹ sư là họ thiếu tính chủ động, thiếu kỹ năng sống. Về nguyên nhân khách quan, đầu tiên phải thừa nhận nói chung chất lượng cử nhân, kỹ sư đào tạo trong nước không cao do chương trình đào tạo chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế, khoa học - công nghệ. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa chủ động đầu tư, tổ chức nghiên cứu nhu cầu nhân lực của thị trường lao động để đào tạo những ngành, theo tiêu chuẩn mà xã hội cần. Thứ hai là. trong xã hội vẫn tồn tại quan niệm muốn làm việc ở khối cơ quan nhà nước, dù lương thấp nhưng "ổn định" trong khi khu vực công đang giảm biên chế. Cùng với đó là nhiều năm nay đầu tư công bị cắt giảm nên không tạo ra việc làm mới. Nguyên nhân thứ ba là các doanh nghiệp nhà nước đang trong quá trình tái cơ cấu nên cũng không nhận thêm lao động. Và nguyên nhân quan trọng nhất là số doanh nghiệp thành lập mới không nhiều nên không thể tạo ra nhiều việc làm... Lý do thì có nhiều, do thủ tục hành chính thành lập doanh nghiệp dù nhiều lần cải tiến nhưng vẫn còn phức tạp; một số ngành vẫn còn "giấy phép con", trong khi đó, chúng ta chưa có cơ chế hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập cũng như chưa có quỹ cho vay với lãi suất thấp, rồi chính sách miễn 100% thuế thuê đất, thuế thu nhập trong những năm đầu khởi nghiệp và đặc biệt là chưa chặn được phí "bôi trơn". Chưa kể những khó khăn của nền kinh tế trong thời điểm hiện tại…
Ai cũng biết tỷ lệ người đang trong độ tuổi lao động nói chung và sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học nói riêng không có việc làm càng cao sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực cho xã hội và làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Vì vậy muốn xã hội có nhiều việc làm mới không còn cách nào khác là phải khắc phục các nguyên nhân đang tồn tại, đồng thời đưa ra một giải pháp căn cơ, toàn diện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.