Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần một giải pháp dung hòa

Tuấn Dũng| 14/02/2012 06:38

(HNM) - Tranh chấp bản quyền truyền hình (BQTH) đang lên đến cao trào khi tất cả các bên dường như đã tỏ thái độ căng thẳng quá mức cần thiết, từ mối quan hệ giữa LĐBĐ Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp (VPF) trong mối liên quan tới tên gọi của giải VĐQG đến mối quan hệ giữa đơn vị đang nắm BQTH là Công ty Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) với VTC… Nếu không có một giải pháp dung hòa lợi ích của các bên thì tranh chấp sẽ tiếp diễn, không biết đến khi nào mới kết thúc.


Trong tuần này, nhiều khả năng Bộ VH,TT&DL sẽ chính thức công bố bản kết luận về BQTH sau quãng thời gian thanh tra dài hơn nửa tháng so với dự kiến. Từ những động thái thận trọng của cơ quan quản lý nhà nước về TDTT, người ta có thể dễ dàng nhận thấy mối lo ngại về những hệ lụy có thể xảy ra khi bản kết luận thanh tra này được công bố, mà lợi thế nghiêng về bất kể phía nào cũng có thể khiến phía kia "nổi giận", không có lợi cho bóng đá nói chung.

Nếu công bố kết luận bản hợp đồng giữa VFF và AVG là hợp pháp, và tất cả các bên liên quan phải tuân thủ thì có thể "bầu Kiên và những người bạn" sẽ không chịu. Bởi trước đây, ông Nguyễn Đức Kiên đã tuyên bố sẵn sàng kiện lên cấp cao hơn, thậm chí là đưa ra tòa án hoặc kêu gọi tổ chức đại hội bất thường để giải quyết mọi việc. Hiện nay, có vẻ như VPF ở thế "tái ông thất mã", bởi nếu nhanh chóng được VFF chấp nhận là tổ chức thành viên thông qua nghị quyết đại hội thì VPF khó thực hiện những điều mà ông Nguyễn Đức Kiên đã tuyên bố. FIFA đã có quy định là các vấn đề nội bộ của các liên đoàn thành viên phải giải quyết trên tinh thần "đóng cửa bảo nhau" thay vì "khua chiêng gõ trống" ra bên ngoài. Cho đến thời điểm này, VPF vẫn chưa được VFF hoàn tất các thủ tục chuyển giao và cũng chưa tổ chức đại hội để chính thức công nhận VPF, nên về nguyên tắc VPF vẫn nằm ngoài "gia đình FIFA". Vì thế, bầu Kiên có thể thực hiện được tuyên bố của mình mà không sợ FIFA tuýt còi. Phải chăng, chính việc chưa được VFF chuyển giao toàn bộ giấy phép và chưa được công nhận là tổ chức thành viên lại là ưu thế để VPF có thể giải quyết vụ việc này theo hướng có lợi cho mình?

Thế nhưng, nếu xử theo hướng có lợi cho VPF thì chắc chắn AVG sẽ không chịu và VFF sẽ đứng trước việc phải đền bù hợp đồng, mà với sự chặt chẽ của AVG thì chắc chắn số tiền đó sẽ rất lớn. Vì thế, làm thế nào để vẹn cả đôi đường sẽ là phương châm mà bản kết luận thanh tra hướng tới. Rất có thể bản kết luận thanh tra sẽ theo hướng mở, nghĩa là công nhận tính hợp pháp của bản hợp đồng đã ký kết giữa VFF và AVG, khẳng định thời hạn 20 năm của bản hợp đồng này "chẳng có tội tình gì", nhưng sẽ có khuyến cáo thay đổi thời hạn hợp đồng và có thể là cả giá trị của hợp đồng nữa.

Theo quan điểm của phía VPF thì hợp đồng BQTH không nên dài quá 3 mùa giải và phải đạt mức tối thiểu 10 tỷ đồng/mùa giải. VPF, thậm chí "bắn tin" là đã đạt được thỏa thuận với VTV về một bản hợp đồng lên tới hơn 70 tỷ đồng trong 3 mùa giải. Tuy VPF tỏ ra muốn làm đến cùng để chống lại bản hợp đồng giữa VFF với AVG, nhưng nếu có một giải pháp hòa giải hợp lý được đưa ra thì nhiều khả năng phía các ông bầu sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán.

Vấn đề còn lại chỉ là ai có thể đứng ra hòa giải các bên, dàn xếp ổn thỏa các mâu thuẫn chồng chéo. Đây mới là khó khăn lớn nhất trong nỗ lực chấm dứt vụ tranh chấp BQTH kéo dài này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần một giải pháp dung hòa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.