(HNMO)- Các hộ dân đang cần sự công khai, minh bạch và sự trả lời của chủ đầu tư dự án cùng các đơn vị chức năng vì sao chậm tiến độ đã 10 năm trời.
Người dân cần đối thoại về dự án "đắp chiếu" đã 10 năm |
Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cùng đại diện các phòng ban chuyên môn của quận khẳng định sẽ tổ chức cưỡng chế đối với các hộ dân nằm trong dự án “Tổ hợp dịch vụ thương mại, văn phòng và nhà ở” tại lô đất 4.5 phường Nhân Chính, nếu các hộ dân này không thực hiện đúng các quy định pháp luật của Nhà nước.
Trong khi đó, đại diện các hộ dân tại khu vực dự án này cho biết họ hoàn toàn không chống đối chính quyền về việc thực hiện dự án. Cái họ cần là sự công khai, minh bạch và sự trả lời sòng phẳng của chính quyền và chủ đầu tư dự án. Đồng thời, dự án cần phải có sự đồng thuận của người dân.
Theo tài liệu UBND quận Thanh Xuân cung cấp cho cơ quan báo chí, UBND TP Hà Nội có Quyết định 380/QĐ-UBND ngày 14-1-2003, thu hồi 250.415 mét vuông đất tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân và phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, tạm giao Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội để điều tra, lập phương án giải phóng mặt bằng chuẩn bị thực hiện dự án san nền và xây dựng hạ tầng tuyến đường và hai bên đường Láng Hạ - Thanh Xuân.
Cũng trong năm 2003, UBND TP Hà Nội đã có quyết định 6892/QĐ-UB ngày 14-11-2003, giao Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội sử dụng chính thức 247.372 mét vuông đất để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng này.
Đến ngày 27-3-2009, UBND TP Hà Nội có văn bản số 2529/UBND-KH&ĐT thực hiện điều chỉnh chủ đầu tư dự án xây dựng công trình tại ô đất số 4.5-NO tuyến đường Láng Hạ - Thanh Xuân. Tiếp đó, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 921/QĐ-UBND ngày 10-2-2014 về việc thu hồi 4753 mét vuông đất tại ô đất kí hiệu 4.5-NO giao 5859 mét vuông đất tại kí hiệu 4.5-NO đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, cho Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Hà Nội - Sunrise để thực hiện dự án “Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở”.
Liên quan tới chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, UBND quận Thanh Xuân thực hiện theo Quyết định 108/2009/QĐ-UBND ngày 29-9-2009 về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội; các quyết định về giá bồi thường, giá đất năm 2013 và năm 2014.
Ông Thái cho biết: “Do các hộ dân không cộng tác trong quá trình điều tra, kê khai, không cung cấp hồ sơ”, nên theo quy định, “UBND phường đã báo cáo Hội đồng bồi thường hỗ trợ, tái định cư và UBND và sử dụng hồ sơ quản lí nhà, đất hiện có tại địa bàn phường để xác nhận và làm cơ sở xây dựng phương án cho các chủ sử dụng đất”. Tóm lại, UBND quận đã thực hiện đầy đủ và đúng trình tự, thủ tục, bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Tuy nhiên, về phía người dân lại có nhiều ý kiến trái chiều. Ông Vũ Tiến Hải, một hộ dân nằm trong dự án cho rằng không có chuyện không hợp tác mà ngược lại, các hộ dân mong mỏi được đối thoại trực tiếp với chủ đầu tư và chính quyền để làm sáng tỏ những thông tin xung quanh dự án, nhưng cả chủ đầu tư và chính quyền đều “bật vô âm tín”.
Cụ thể, ông Nguyễn Đình Bền, người đã ở trong khu vực dự án này từ năm 1992 cho biết: Thông tin không rõ ràng và chưa thể khẳng định đây là một dự án vì: Quyết định 3153/QĐ-UB ngày 21-5-2004 của UBND TP năm 2004 nói đây là dự án “thí điểm xây dựng nhà ở cao tầng cho thuê”; nhưng tại Công văn số 2529/UBND-KHĐT ngày 27-3-2009 của UBND TP Hà Nội lại là “dự án xây dựng nhà ở, văn phòng, cao tầng cho thuê”. Khi tên gọi còn chưa thống nhất hoặc chưa có lí do thì có thể coi là một dự án được không?
Ông Bền cũng cho biết, Quyết định 380/QĐ-UB được UBND TP Hà Nội ban hành từ năm 2003. Theo Khoản 3, điều 29, Luật Đất đai năm 2003, diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án, công trình phải chuyển mục đích sử dụng mà sau 3 năm không thực hiện theo kế hoạch thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ và công bố. Đến nay, chưa có văn bản nào thay thế quyết định này.
Đồng thời, theo Kế hoạch 116/KH-UBND, ngày 13-12-2010 của UBND quận Thanh Xuân thu hồi 5859 mét vuông, vượt 115 mét vuông so với Quyết định 3135/QĐ-UB ngày 21/5/2004 của UBND TP Hà Nội. Trong các tài liệu UBND quận Thanh Xuân cung cấp cho các cơ quan báo chí không có Kế hoạch 116 này.
Đại diện một hộ dân khác là bà Nguyễn Thu Nga nhớ lại, vào ngày 16-4-2011, ông Nguyễn Xuân Lưu khi đó còn là Phó chủ tịch quận có mời các hộ dân lên làm việc để phổ biến về dự án. Tại đây, người dân có thắc mắc nhiều vấn đề liên quan tới dự án, như: hồ sơ không hợp pháp; dự án không hợp lý; không minh bạch… Ông Nguyễn Xuân Lưu tiếp thu các ý kiến và hứa giao cho các bộ phận chức năng trả lời. Tuy nhiên, kể từ đó cho đến nay chưa có cuộc đối thoại trực tiếp nào giữa chủ đầu tư, chính quyền với người dân.
Người dân cũng cho biết, cho đến nay, tính chất của dự án này là dự án thương mại, không qua đấu thầu, nên không thể áp dụng chính sách thu hồi, đền bù như dự án nhóm A phục vụ an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế được. Chủ đầu tư phải trực tiếp thỏa thuận với dân.
Ngoài các vấn đề về hình thức và bản chất của dự án đang bị người dân thắc mắc, còn rất nhiều vấn đề khác mà người dân còn nghi hoặc, không thống nhất với chính quyền như về biên bản bàn giao mặt bằng, kiểm kê tài sản, về vấn đề ăn ở ổn định, lâu dài tại địa bàn dự án nhưng không được ghi nhận…
Thiết nghĩ, các vấn đề này chỉ có thể giải quyết bằng cách đối thoại trực tiếp, trên cơ sở các văn bản pháp luật, bảo đảm đúng, đủ, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, doanh nghiệp cũng như của nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.