(HNM) - Bộ GT-VT và các nhà đầu tư đang khẩn trương hoàn tất để cuối tháng 4-2015 sẽ đưa hệ thống thu phí không dừng (ETC) kết hợp kiểm soát tải trọng xe thí điểm đầu tiên vào hoạt động.
Ba trạm gồm: Hoàng Mai, Km604+700 QL1 và Km1813+650 trên đường Hồ Chí Minh sẽ được thí điểm trước khi triển khai đại trà trên toàn hệ thống đường bộ cả nước. Đây là công nghệ tiên tiến do Hoa Kỳ phát triển và đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới.
Việc áp dụng công nghệ thu phí ETC và kiểm soát tải trọng xe hy vọng sẽ bảo đảm yêu cầu cung cấp dịch vụ thu phí hiện đại, minh bạch, tránh tiêu cực, thất thoát và hướng tới sự hài lòng cao nhất cho người tham gia giao thông. Cả hai hệ thống này đều được tích hợp đồng bộ với nhau và được kiểm soát bởi một trung tâm do Bộ GT-VT quản lý. Quan trọng hơn, việc áp dụng công nghệ thu phí điện tử, kiểm soát tải trọng xe được đưa vào sử dụng cho các tuyến đường bộ sẽ phát huy được các lợi ích về KT-XH cho nhà đầu tư, các chủ phương tiện và các cơ quan quản lý đường bộ.
Về lý thuyết, việc áp dụng công nghệ này sẽ giúp nhà đầu tư tránh được thất thoát, tiêu cực và tiết kiệm được rất nhiều khoản chi phí cho công tác in vé. Chủ phương tiện tiết kiệm nhiên liệu, thời gian lưu thông vì không phải dừng lại để trả tiền. Các cơ quan quản lý đường bộ không chỉ giảm được chi phí sửa chữa cầu đường mà còn tiết kiệm chi phí cho các trạm cân lưu động và nhân lực cho các trạm thu phí thủ công. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, mức phí không tăng mà sẽ giữ nguyên như hệ thống thu phí đang áp dụng.
Rõ ràng, đây là những lợi ích rất đáng kể mà khoa học công nghệ mang lại. Tuy nhiên, không ít người dân vẫn lo lắng rằng, ở giai đoạn thí điểm, các nhà đầu tư cải tạo đường theo phương thức BOT (cũng là chủ sở hữu các trạm thu phí hoàn vốn) sẽ phải nghiêm túc tuân thủ theo mức phí cũ. Thế nhưng liệu khi hết thí điểm, các mức phí này vẫn được giữ nguyên hay lập tức các nhà đầu tư sẽ viện đủ các lý do để tăng phí. Mà mỗi dự án, theo hợp đồng, nhà đầu tư được thu phí từ 10-20 năm, do đó, Bộ GT-VT cần có những quy định ràng buộc và cơ chế kiểm soát hữu hiệu để thực sự minh bạch để Nhà nước, nhà đầu tư, người tham gia giao thông cùng được hưởng lợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.