(HNMO) – Chiều 21/10, các đại biểu đã thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm. Nhiều đại biểu cho rằng, dự án luật còn quá chung chung, thiếu minh bạch khi giao Chính phủ quy định nội dung của 7/16 điều được sửa đổi, bổ sung.
Tại tổ Hà Nội, đại biểu Đặng Văn Khanh tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo thẩm tra dự án luật. Theo ông, đây là dự luật cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung bởi đã ban hành được 10 năm và đã bộc lộ nhiều hạn chế cần phải sửa đổi cho phù hợp.
Góp ý về hình thức DN, ông Khanh cho rằng, việc quy định hình thức DN cung cấp dịch vụ qua biên giới là “lạc lõng”, bởi đây chỉ là một trong những hình thức hoạt động của DN chứ không phải là hình thức DN. Ông cũng đề nghị cân nhắc kỹ khi đưa quy định cho phép các HTX được hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Đại biểu Khanh cũng đề nghị, dự luật cần quy định rõ về điều kiện cấp phép cho các DN hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
“Chúng ta mở ra điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động là đúng nhưng không phải cái nào cũng vô điều kiện, nhất là đặc thù của kinh doanh bảo hiểm”, đại biểu Khanh nói.
Về chức năng quản lý Nhà nước, đại biểu Khanh tán thành việc bổ sung chức năng giám sát và thanh tra chuyên ngành. Nhưng để tránh chồng chéo với các thanh tra chuyên ngành khác, nên giao Chính phủ quy định về tổ chức và phạm vi hoạt động, thẩm quyền của lực lượng này.
“Nhược điểm lớn nhất của dự án luật này là tính minh bạch”, đại biểu Nguyễn Đình Quyền nhận xét.
Đại biểu Quyền dẫn chứng cho sự chưa minh bạch đó là nhiều điều luật được giao Chính phủ quy định, như điều kiện cung cấp dịch vụ qua biên giới, các tiêu chí với DN nước ngoài nhận tái bảo hiểm, các nội dung đấu thầu, lập quỹ bảo vệ người bảo hiểm…
“Chúng ta có thể giao Chính phủ quy định những vấn đề về DN nước ngoài để cho linh hoạt, phù hợp với từng thời kỳ, nhưng đối với những vấn đề trong nước như cạnh tranh, đấu thầu và hợp tác thì cần quy định rõ trong luật”, đại biểu Quyền nói.
Đồng tình với đại biểu Quyền, đại biểu Vũ Hồng Anh cũng nhận xét, dự Luật vẫn còn nhiều điểm quy định chung chung, giao Chính phủ làm và những vấn đề được đưa ra sửa đổi, bổ sung chưa khắc phục được đầy đủ các hạn chế của luật hiện hành.
Đại biểu Chu Sơn Hà cũng cho rằng, việc dự luật có quá nhiều điểm giao Chính phủ quy định như vậy thì đến bao giờ mới thực hiện được trong thực tiễn?
Đại biểu Hà nhấn mạnh, việc thay đổi luật cho phù hợp với các thông lệ quốc tế là cần thiết, nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện trong nước.
“Chúng ta không thể hội nhập nhanh trong khi điều kiện trong nước chưa cho phép. Ban soạn thảo cần làm rõ thêm điều kiện cần thiết để sửa đổi”, đại biểu Hà đề nghị.
Trái với quan điểm của đại biểu Khanh, đại biểu Hà nhất trí cho phép HTX được kinh doanh bảo hiểm, vì đây cũng là một tổ chức hoạt động theo luật DN. Tuy nhiên, cần xem xét đến phạm vi kinh doanh bảo hiểm của HTX bởi kinh doanh bảo hiểm cũng có tác động xã hội rất lớn, giống như kinh doanh tiền tệ.
Nhận xét dự luật sửa đổi chưa căn cơ và chưa hết được những hạn chế hiện nay, đại biểu Phạm Thị Loan dẫn chứng, thị trường kinh doanh bảo hiểm hiện nay đang rất khó quản lý, việc các DN kinh doanh bảo hiểm hoạt động như thế nào, tiền bảo hiểm được sử dụng vào đâu, hiệu quả ra sao, việc chi trả bảo hiểm được thực hiện như thế nào… thì chúng ta chưa xác định và giám sát được.
“Thực tế có nhiều việc chi trả rất bất cập đối với người bảo hiểm, gây bức xúc, có lấy được tiền thì nhiều khi phải thế nọ, thế kia…”, đại biểu Loan nói.
Từ đó, đại biểu Loan đề nghị luật cần rõ ràng hơn, có các điều kiện cụ thể về cấp giấy phép cho các DN muốn tham gia hoạt động bảo hiểm, mức cụ thể về việc trích lập quỹ bảo hiểm, điều tiết việc chuyển ngoại tệ từ trong nước ra nước ngoài và ngược lại với các DN kinh doanh bảo hiểm qua biên giới…
Chung mối quan tâm về bảo hiểm qua biên giới, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cho rằng, quy định về việc này là bắt buộc, phù hợp với xu thế quốc tế.
“Vấn đề là ở chỗ nếu người Việt Nam tham gia bảo hiểm ở nước ngoài thì sẽ như thế nào? Nên có quy định chi tiết trong luật”, đại biểu Đào đề nghị.
Đại biểu Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH cho biết, khi thẩm tra dự án luật này, Ủy ban đã làm việc với nhiều DN kinh doanh bảo hiểm lớn và các DN cho biết, luật hiện hành vẫn vận hành tốt. Điểm nhiều DN quan tâm là tính cạnh tranh, đặc biệt là sự bình đẳng giữa DN hoạt động nội ngành và DN chung. Do đó, dự án luật chỉ tập trung cho 3 nhóm vấn đề cho phù hợp với thông lệ quốc tế, các luật khác và tăng cường nội dung về thanh tra, giám sát.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận tại hội trường vào ngày 26/10 tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.