Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần mạnh tay xử lý ”ô nhiễm” ngôn ngữ

Thủy Tiên| 23/03/2014 06:03

(HNM) - Tiếng Anh đang ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống chính trị, kinh tế xã hội, ở nước ta. Rõ ràng tiếng Anh là phương tiện để Việt Nam hội nhập sâu rộng về mọi mặt với thế giới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã lạm dụng ngôn ngữ này một cách thái quá.


Trong đời sống hằng ngày, nhất là ở đô thị lớn, rất dễ dàng nghe tiếng Việt pha trộn với tiếng Anh khi giới trẻ giao tiếp với nhau. Thôi thì "lời nói gió bay" và chỉ có thể trách họ đã quá đà, song lạm dụng trong hoạt động kinh doanh, thương mại mới là điều thật sự đáng nói. Theo Điều 33 Luật Doanh nghiệp thì "tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp, trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu, trên các ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành, tiếng Anh phải viết hoặc in nhỏ hơn tên bằng tiếng Việt". Còn Điều 18 Luật Quảng cáo quy định: "Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt". Thế nhưng đi trên nhiều tuyến phố, mọi người đều "mục sở thị" hàng loạt khách sạn, trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng, chung cư do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư gắn biển hiệu đều bằng tiếng Anh.

Ví dụ các khách sạn: Paradis, Pacific, Diamon, Palace…; trung tâm thương mại: Mail, Garden…; chung cư: The Manor, Skyvew, Victoria… Hỏi cơ quan cấp phép, người ta cũng lắc đầu, không biết bao nhiêu doanh nghiệp vi phạm. Chưa hết, rải rác trên các con phố lớn, nhỏ không khó để bắt gặp tên các cửa hàng thời trang, cơ sở thẩm mỹ, mát xa chân… 100% bằng tiếng Anh. Thậm chí khi giảm giá quần áo, họ cũng chẳng thèm viết tiếng Việt trong khi khách hàng hầu hết là người Việt Nam.

Ở góc độ văn hóa, đó là việc làm thiếu tôn trọng đối với ngôn ngữ của dân tộc, làm khó cho khách hàng không biết ngoại ngữ. Với du khách nước ngoài, họ không hiểu một dân tộc có chữ viết sao phải sử dụng tiếng nước ngoài để đặt tên cho dự án bất động sản dành cho người Việt? Thực trạng này kéo dài khiến một nhà ngôn ngữ học phải thốt lên "ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ đã bị ô nhiễm nặng". Nhìn sang các nước trong khu vực như: Lào, Campuchia, Thái Lan, nếu có tiếng Anh, họ thường ghi rất nhỏ ở dưới, rõ ràng đó là thái độ tôn trọng ngôn ngữ mẹ đẻ.

Vì sao "ô nhiễm tiếng mẹ đẻ" kéo dài? Nguyên nhân chính là do cơ quan cấp giấy phép kinh doanh chỉ biết cấp mà không thực hiện hậu kiểm và hậu quả là sai phạm cứ tiếp diễn. Mặt khác, theo Nghị định 88/CP, mức phạt cho sai phạm này quá thấp chỉ từ 150.000-500.000 đồng nên không đủ sức răn đe. Hà Nội lấy năm 2014 là "Năm trật tự và văn minh đô thị", hy vọng cơ quan chức năng sẽ mạnh tay loại bỏ thứ "ô nhiễm" này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần mạnh tay xử lý ”ô nhiễm” ngôn ngữ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.