(HNM) - Đề án 30 đã đi được hơn nửa chặng đường, các bộ, ngành cũng đã hoàn tất công tác rà soát 5.565 thủ tục hành chính (TTHC), trong đó đề xuất bãi bỏ 453 thủ tục, sửa đổi, bổ sung 3.749 thủ tục, thay thế 288 thủ tục; tỷ lệ kiến nghị đơn giản hóa đạt 81% và hầu hết đã đạt được chỉ tiêu cắt giảm 30% chi phí tuân thủ TTHC.
Tuy nhiên, sau khi phân tích, Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ khẳng định, các phương án đơn giản TTHC còn hình thức và việc tính toán chi phí tuân thủ TTHC còn nhiều hạn chế.
Tổ đề án 30 của thành phố rà soát thủ tục hành chính. Ảnh: Linh Tâm |
Không "cắt", vẫn có "giảm"
Theo ông Ngô Hải Phan, Tổ phó Thường trực Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng (TCTCT), lỗi chủ yếu các đơn vị mắc phải trong rà soát là việc kiến nghị bãi bỏ, thay thế các TTHC chỉ là việc ghép cơ học các thủ tục và lý do phương án đơn giản hóa nêu ra còn chung chung, thiếu thuyết phục. Thế nhưng kết quả tính toán cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC mà các bộ, ngành đưa ra rất cao. Thậm chí có đơn vị không đưa ra bất kỳ một biện pháp đơn giản hóa về hồ sơ, yêu cầu hay điều kiện để thực hiện thủ tục nhưng kết quả tính toán đưa ra là 100% thủ tục đã được cắt giảm chi phí hoặc không thực hiện tính toán chi phí với lý do không đủ số liệu.
Trước đó, TCTCT đã có công văn hướng dẫn cụ thể, tập huấn cho các đơn vị và luôn kêu gọi Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của các bộ, ngành, địa phương cần trao đổi thường xuyên với TCTCT nếu gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện nhưng với kết quả như vậy chứng tỏ nhiều đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc, vẫn còn tư tưởng làm đối phó cho xong. Thực tế cho thấy, không ít đơn vị lúc đầu cho rằng, việc tính toán chi phí rất khó nhưng do phối hợp chặt chẽ với TCTCT nên kết quả rà soát tính toán đưa ra chính xác, đạt yêu cầu chất lượng.
Tiếp tục cải cách mạnh mẽ
Đầu tháng 6-2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị quyết của Chính phủ số 25/NQ-CP thông qua phương án đơn giản hóa 258 TTHC ưu tiên, giúp cắt giảm trên 5.700 tỷ đồng mỗi năm chi phí tuân thủ TTHC của cá nhân và tổ chức. Như vậy, nếu đơn giản hóa hơn 5.000 TTHC còn lại, hẳn tỷ lệ cắt giảm chi phí còn lớn hơn rất nhiều. TCTCT dự tính, sẽ tiết kiệm được hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, nếu có các phương án cải cách tích cực, vừa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, vừa bảo đảm được mục tiêu quản lý của Nhà nước. Để đạt được mục tiêu đó, trong ba tháng qua TCTCT với sự hỗ trợ của trên 1.000 cán bộ biệt phái (đến từ các bộ, ngành), gần 50 luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các chuyên gia đã nghiên cứu, đề xuất những biện pháp đơn giản hóa TTHC sâu hơn, tập trung vào việc cắt giảm ít nhất 30% chi phí tuân thủ TTHC. Các phương án do TCTCT đề xuất vừa được gửi lại các bộ, ngành để các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện phương án đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của mình. Bên cạnh đó, TCTCT đã đề nghị 65 hiệp hội ngành nghề có uy tín cho ý kiến vào phương án đơn giản hóa TTHC, cũng như đăng tải công khai trên trang tin điện tử của TCTCT tại địa chỉ: thutuchanhchinh.vn và Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để lấy ý kiến cá nhân, tổ chức trước khi hoàn thiện, trình Chính phủ vào cuối tháng 7-2010.
Một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu mà các bộ, ngành phải thực hiện từ nay đến cuối năm là triển khai Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ về đơn giản hóa 258 TTHC ưu tiên. Riêng việc này đã đòi hỏi phải sửa đổi ít nhất 14 luật, 3 pháp lệnh, 44 nghị định, 8 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 67 thông tư, 33 quyết định của bộ trưởng và một số văn bản hành chính khác; chưa kể, các bộ, ngành, địa phương còn phải thực thi phương án đơn giản hóa của hơn 5.000 TTHC còn lại sau khi được thông qua. Cũng trong thời gian này, các đơn vị phải triển khai Nghị định số 63/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát TTHC. Đây là cơ sở pháp lý để duy trì những kết quả của việc cải cách TTHC do Đề án 30 mang lại. Theo đó, một hệ thống các cơ quan kiểm soát TTHC sẽ được thành lập từ TƯ đến địa phương trên cơ sở kiện toàn lại 88 Tổ công tác thực hiện Đề án 30 tại các bộ, ngành, địa phương.
Để thực hiện khối lượng công việc "khổng lồ" của Đề án 30, TCTCT cho biết, từ nay đến cuối năm, sẽ tiến hành giao ban định kỳ hằng tháng với các bộ, ngành để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm tiến độ và chất lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.