Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần lấp “khoảng trống” về pháp lý

Bảo Khanh| 27/12/2012 07:26

(HNM) - Việt Nam có 500.000 lao động (LĐ) làm việc tại 40 quốc gia, trong đó lao động nữ chiếm 35%. Do đặc điểm khác biệt về giới, phụ nữ làm việc ở nước ngoài dễ bị tổn thương hơn nam giới. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có chính sách riêng đối với lao động nữ, các quy định pháp luật và chính sách vẫn quy định cho cả nam và nữ... Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) Đào Công Hải.



Trang web dành cho lao động di cư.

- Phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài dễ bị tổn thương hơn nam giới, ông có thể nói rõ hơn về những nguy cơ đối với họ?

- Trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam là quốc gia có số người đi làm việc tại nước ngoài ngày càng tăng. Trung bình mỗi năm từ 70.000 đến 80.0000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trước đây, hầu hết lao động di cư là nam giới nhưng những năm gần đây, phụ nữ chiếm khoảng 30-35%. Lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu trong lĩnh vực: Điện tử, dệt may, dịch vụ, giúp việc gia đình… Với ý thức kỷ luật tốt, cần cù chịu khó, khéo tay tiếp thu nhanh nên lao động nữ Việt Nam được các nước Nhật Bản, Hàn Quốc rất ưa chuộng. Đặc biệt, tại thị trường Malaysia, chủ sử dụng lao động rất thích tuyển lao động nữ Việt Nam. Tuy nhiên, lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài dễ bị tổn thương, dễ có nguy cơ bị lạm dụng hơn nam giới, đặc biệt là những người làm các công việc có tính đặc thù như giúp việc trong các gia đình, hộ lý, y tá chăm sóc người bệnh tại các viện dưỡng lão... Đáng lo ngại, kiến thức của phụ nữ trong kiểm soát và giải quyết các vấn đề phát sinh đối với đối tác rất kém.

Thực tế, khi làm việc ở nước ngoài, nhiều trường hợp lao động nữ Việt Nam bị chủ sử dụng lao động quỵt lương thời gian làm thêm, bị ngược đãi, đánh đập và đuổi khỏi nhà. Do hạn chế về ngôn ngữ, nhiều lao động nữ không bảo vệ được mình. Đã có trường hợp nữ giúp việc gia đình ở nước ngoài bị chủ bắt làm thêm giờ, ngược đãi, đánh đập, đuổi khỏi nhà gọi đến Đại sứ quán kêu cứu, nhờ trợ giúp, nhưng khi hỏi đang ở đâu, địa chỉ nào thì không thể cung cấp cho cơ quan chức năng.

- Trên thực tế Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật để bảo vệ quyền lợi NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Phải chăng những văn bản pháp luật đó chưa đủ mạnh thưa ông?

- Điều này không hẳn như vậy. Để bảo vệ quyền lợi của NLĐ làm việc ở nước ngoài, Nhà nước đã xây dựng và ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các văn bản pháp luật hiện hành liên quan cũng đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật này chưa thể hiện được nguyên tắc bình đẳng giới. Cũng như nam giới, phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài mang về thu nhập, chuyên môn kinh nghiệm và tác phong công nghiệp. Nhưng xét ở góc độ giới những vấn đề của phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài "nhạy cảm" hơn nam giới rất nhiều. Do đó, phụ nữ đối mặt với nhiều nguy cơ bị lạm dụng, trong khi đó hành lang pháp lý về vấn đề này vẫn thiếu. Đây cũng là lý do khiến LĐ nữ chấp nhận nghèo không đi XKLĐ. Do đó, cần có thêm những quy định pháp lý nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho LĐ nữ Việt Nam thực hiện quyền bình đẳng của mình trong việc tìm kiếm cơ hội, nâng cao thu nhập khi đi XKLĐ.

- Di cư an toàn không chỉ là mối quan tâm của phụ nữ mà còn là mối quan tâm chung của NLĐ làm việc ở nước ngoài. Vậy Bộ LĐ-TB&XH đã có những giải pháp nào nhằm bảo đảm sự an toàn cho họ, thưa ông?

- Nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, Bộ LĐ-TB&XH đã hợp tác với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) thành lập Trung tâm Hỗ trợ lao động di cư (MRC) tại Hà Nội, hiện mô hình trung tâm này đã vươn rộng khắp các tỉnh. Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chính thức khai trương trang web dành cho lao động di cư tại hai địa chỉ www.hotro laodongngoainuoc.org và www.tuvan laodongdicu.org. Điểm nhấn của trang web là mục chuyên gia tư vấn cung cấp thông tin về các quốc gia, vùng lãnh thổ phù hợp với nhu cầu và khả năng cá nhân, chính sách - pháp luật của các nước đến, quy trình để ra làm việc ở nước ngoài, các rủi ro thường gặp khi di cư lao động trái phép, các cơ quan trợ giúp liên quan ở Việt Nam và nước tiếp nhận cũng như các chương trình hỗ trợ khi lao động về nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần lấp “khoảng trống” về pháp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.