Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần lan tỏa sâu rộng hơn

Đan Nhiễm| 11/01/2020 06:42

(HNM) - Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã đi vào cuộc sống. Hai văn bản này có tác động rất lớn đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông khi đưa ra chế tài nghiêm khắc chưa từng có đối với các trường hợp sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện giao thông. Quy định này được đông đảo dư luận đồng tình, đánh giá cao bởi những giá trị tốt đẹp mang lại cho cuộc sống mọi người.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân vi phạm quy định về nồng độ cồn; trong đó, có đối tượng không hợp tác, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, có hành động, thái độ chống lại lực lượng chức năng. Một số người thì cho rằng, quy định mới là “hà khắc” để biện minh cho thói quen thích “chén chú, chén anh”, “không say, không về” của một bộ phận người dân, nhất là nam giới hiện nay.

Lẽ thường, trước một quy định mới, ảnh hưởng đến thói quen không tốt của nhiều người (hoặc biết là không tốt nhưng không dám từ bỏ) rất dễ có phản ứng trái chiều. Nhưng bình tĩnh suy xét lại thì có thể thấy, số vụ tai nạn giao thông giảm, nhất là những tai nạn thảm khốc do “xe điên” mà “kẻ” đưa đường, chỉ lối chính là rượu, bia... giảm theo thời gian sẽ giúp mọi người nhận ra rằng, các quy định mới tuy rất nghiêm khắc song lại rất nhân văn, tác động tốt đến đời sống xã hội. Chưa kể, những trường hợp bệnh tật có tác nhân từ rượu, bia cũng sẽ giảm.

Chúng ta còn nhớ, việc cấm đốt pháo nổ hay quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe máy tham gia giao thông... trước đây khi mới ban hành đã gây một số phản ứng nhưng rồi theo thời gian mọi người đều tự giác chấp hành. Chính những tác động tích cực đến đời sống xã hội là câu trả lời chính xác nhất cho những quyết sách táo bạo nhưng xuất phát từ chính thực tiễn cuộc sống, vì chính sự bình an cho mỗi người và sự phát triển của xã hội.

Vấn đề đặt ra hiện nay là bên cạnh việc tạo sự đồng thuận trong xã hội để góp phần hình thành nếp sống mới, công tác tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP cần được chủ động đẩy mạnh hơn. Ngoài các cơ quan thực thi pháp luật, các tổ chức như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ... cần chủ động tuyên truyền tới hội viên các quy định mới; trong đó, việc cần thiết, ngay trước mắt là không sử dụng rượu, bia trong các cuộc liên hoan, tổng kết cuối năm. Các cơ quan, đơn vị cũng cần sớm đưa quy định mới này vào nội quy cơ quan và cá nhân nào vi phạm cần xử lý nghiêm khắc. Về phần mình, mỗi công dân khi tham gia giao thông phải tự tạo cho mình thói quen “đã uống rượu, bia - không lái xe”, dần dần tiến tới hạn chế tối đa sử dụng rượu, bia trong đời sống.

Ngoài ra, các cơ quan thông tin đại chúng, chính quyền cơ sở, đặc biệt là UBND xã, phường, thị trấn và các thôn, tổ dân phố cần đẩy mạnh tuyên truyền trên báo chí, đài truyền thanh, áp phích, tờ rơi... về tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe, giống nòi. Đặc biệt là cần giải thích rõ những thông tin sai lệch liên quan đến việc thực hiện hai quy định mới, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong cộng đồng.

Việc phạt nặng người tham gia giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn đã đáp ứng được đòi hỏi bức xúc của cuộc sống, hướng đến hình thành nếp sống văn minh, lành mạnh, vì bình an cho mỗi người. Do đó, quy định này rất cần được giữ vững, lan tỏa sâu rộng hơn trong cộng đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần lan tỏa sâu rộng hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.