Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần làm sáng tỏ và xử lý những sai phạm

Đ.H| 17/01/2010 23:14

Với diện tích đất được giao quản lý, sử dụng khá lớn, sau cổ phần hóa, Công ty cổ phần sản xuất và dịch vụ du lịch (CPSX&DVDL) Chèm đã có “sáng kiến” kêu gọi các cá nhân, đơn vị trong và ngoài Công ty tham gia "hợp tác" sử dụng đất… Kiểu “kinh doanh bằng đất” của Công ty tồn tại đã lâu nhưng đơn vị chủ quản, cũng như các cơ quan chức năng của huyện Từ Liêm và thành phố Hà Nội vẫn không hề hay biết.

(HNMO)- Với diện tích đất được giao quản lý, sử dụng khá lớn, sau cổ phần hóa, Công ty cổ phần sản xuất và dịch vụ du lịch (CPSX&DVDL) Chèm đã có “sáng kiến” kêu gọi các cá nhân, đơn vị trong và ngoài Công ty tham gia "hợp tác" sử dụng đất… Kiểu “kinh doanh bằng đất” của Công ty tồn tại đã lâu nhưng đơn vị chủ quản, cũng như các cơ quan chức năng của huyện Từ Liêm và thành phố Hà Nội vẫn không hề hay biết.

Trong khu đất do Công ty CPSX&DVDL Chèm quản lý, những dãy nhà xưởng được xây dựng kiên cố như không cần biết đến Luật Đê điều.


Bài 1: “Sáng kiến” hợp tác sử dụng đất

Tiền thân của Công ty CPSX&DVDL Chèm là Xí nghiệp vật liệu xây dựng và chế biến lâm sản Chèm, thuộc Tổng Công ty lâm sản Việt Nam. Trước thời điểm tiến hành cổ phần hóa, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty CPSX&DVDL Chèm rất khó khăn... Tính đến cuối tháng 9-2003, tổng tài sản của Công ty được định giá chỉ có 1.074 triệu đồng, vốn kinh doanh 750 triệu đồng, nhưng khoản nợ phải trả đã chiếm tới 253 triệu đồng. Giá trị còn lại của máy móc, thiết bị 457 triệu đồng, số lao động là 49 người. Tính đến tháng 10-2009, toàn bộ Công ty còn 19 cán bộ, công nhân viên, trong đó chỉ có 5 công nhân trực tiếp sản xuất tại xưởng mộc và 4 người làm bảo vệ. Trong khi đó diện tích đất được giao quản lý, sử dụng lên tới gần 8,5ha thuộc địa bàn xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm.

Hơn thế, sự yếu kém của Công ty CPSX&DVDL Chèm còn thể hiện qua con số doanh thu nhỏ bé và sụt giảm liên tục, từ 1,2 tỷ đồng năm 2001 xuống còn 737 triệu đồng năm 2003, thu nhập bình quân của một người lao động trong thời gian này chỉ vào khoảng 500-600 nghìn đồng mỗi tháng. Năm 2005, Công ty Chèm lỗ gần 300 triệu đồng.

Sau cổ phần hóa, lãnh đạo công ty đã bán cổ phần cho cán bộ, công nhân viên công ty và 5 doanh nghiệp bên ngoài là Công ty CP Cơ điện Thăng Long (5,1%), Công ty TNHH Hoàng Minh (4,9%), Công ty TNHH Ngọc Hà (4%), Công ty TNHH Thành Xuân (3,5%).

Do vị trí đất Công ty CPSX&DVDL Chèm đang sử dụng nằm ngoài bãi, giáp với sông Hồng, việc đầu tư xây dựng được quản lý rất nghiêm ngặt nên các đơn vị, cá nhân đều không mấy mặn mà trong việc hợp tác kinh doanh với Công ty. Vì vậy, Hội đồng quản trị Công ty CPSX&DVDL Chèm đã có “sáng kiến” kêu gọi, mời các cá nhân, đơn vị trong và ngoài Công ty tham gia hợp tác sử dụng đất.

Với giá tiền thuê đất rẻ mạt (chưa đến 6 nghìn đồng/m2/năm) lại không phải tốn công giải phóng mặt bằng, bởi vậy từ năm 2005 đến tháng 9/2009 đã có 16 đơn vị, cá nhân thuê tổng cộng 41.028m2 đất trong khuôn viên Công ty CPSX&DVDL Chèm quản lý. Riêng năm 2008, Công ty CPSX&DVDL Chèm đã thu của các công ty này tổng số 1,125 tỷ đồng tiền “hợp tác”. Trong khi đó phần nộp cho nhà nước chỉ là 490 triệu đồng.

Suốt từ năm 2005 đến nay, số tiền chênh lệch mà Công ty Chèm thu được đã sử dụng vào việc gì, thì hầu như không ai biết. Chưa hết, cuối tháng 7/2009, Công ty Chèm lại ra thông báo yêu cầu các đơn vị hợp tác với Công ty (đơn vị thuê đất) tăng 40% số tiền phải nộp. Nếu thực hiện theo kế hoạch này, năm 2009, Công ty Chèm thu hơn 2,5 tỷ đồng “tiền hợp tác”, trong đó khoản tiền sử dụng đất nộp cho nhà nước vào khoảng 680 triệu đồng. Điều đáng ngạc nhiên là kiểu “kinh doanh bằng đất” này tồn tại đã lâu nhưng Tổng Công ty lâm nghiệp Việt Nam và các cơ quan chức năng của huyện Từ Liêm và thành phố Hà Nội vẫn không hề hay biết?

Không biết đến Luật Đê điều

Lợi dụng việc “liên doanh, liên kết”, 16 doanh nghiệp, cá nhân dù ở gần chân đê hay bám ngoài ven sông, cũng ra sức cải tạo lều lán theo ý mình. Điển hình như Công ty TNHH Thắng Vân với những dãy nhà xưởng gần như kín diện tích 1.125m2 mà Công ty này thuê. Công ty CP nhựa Trường Sơn cũng nhanh tay xây dựng hệ thống nhà xưởng trên diện tích 2.000m2. Công ty TNHH Hoàng Minh với hai dãy nhà xưởng bề thế nằm ngay trên trục chính của khu đất, mặt bằng xây dựng tới hơn 3.200m2, chiều cao 6-9m. Nhà xưởng của Công ty Kiến tạo & Kiệt tác cũng rất “hoành tráng”, rộng hàng trăm m2, cao 6-9m. Còn với Công ty TNHH Ngọc Hà xây dựng cả một bãi tập lái xe trên diện tích gần 20.000m2.

Cần phải nói thêm rằng, đây là khu vực nằm trong hành lang thoát lũ, việc xây dựng kiên cố hay thô sơ cũng không ai được cấp phép. Nhưng thật lạ, những dãy nhà xưởng bề thế như một khu liên hợp vẫn “vô tư” mọc lên và ngang nhiên tồn tại?! Đại diện Công ty CPSX&DVDL Chèm cung cấp thông tin: có những đợt lũ ở mức báo động cấp 3 như năm 2001 thì nước cũng đã ngập đến hơn 1 mét khu nhà xưởng. Họ thừa nhận có biết việc xây dựng là không được phép nhưng vẫn để cho đối tác làm, lý do đơn giản là: Khi nào có lũ thì…dỡ. Vẫn theo đại diện Công ty Chèm, các dãy nhà xưởng cao 6-9m, rộng hàng nghìn mét vuông này vẫn nhỏ và chưa phải là kiên cố?! Phó Chủ tịch UBND xã Liên Mạc Nguyễn Văn Hùng cho biết, xã đã nhiều lần xử phạt hành chính các doanh nghiệp trong khu đất này về hành vi xây dựng công trình trong hành lang thoát lũ nhưng đâu lại vào đó. Xã phạt cứ phạt, doanh nghiệp cứ ký nhận rồi… nộp phạt và rồi lại tiếp tục xây. Như để chứng minh lời nói của mình, ông Hùng đã đưa ra hàng chục biên bản xử phạt hành chính do đội quản lý đê điều huyện Từ Liêm cùng UBND xã Liên Mạc lập khi xử lý hành vi xây dựng trái phép trong khuôn viên Công ty CPSX&DVDL Chèm. Trong đó còn có cả những quyết định, thông báo cưỡng chế. Tuy nhiên, việc xử phạt không đủ mạnh và không xử lý dứt điểm nên tình trạng xây dựng trái phép kéo dài và ngày càng nghiêm trọng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần làm sáng tỏ và xử lý những sai phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.