Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần làm rõ trách nhiệm

Nguyễn Đức Hải| 15/05/2012 07:01

(HNM) - Hiện nay, phần lớn các hạng mục của gói thầu


Theo thiết kế được phê duyệt, bờ phải sông Tô Lịch đoạn qua xã Thanh Liệt là trồng cây xanh, tiểu cảnh nhưng các cơ sở kinh doanh, sản xuất ở đây chưa chịu di chuyển, giải tỏa nên chưa có mặt bằng để thi công.

Nhà xưởng, kho cho thuê ven sông Tô Lịch tại xã Thanh Liệt (Thanh Trì).


Chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép

Năm 2007, HTX Thành Công được Sở Giao thông Công chính, nay là Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội và các cơ quan chức năng giao nhiệm vụ san lấp, thu dọn các loại phế thải, rác thải tại khu vực ven sông Tô Lịch đoạn từ chân cầu Dậu đến Trường THCS xã Thanh Liệt (Thanh Trì), vận chuyển về nơi quy định của thành phố; lập hàng rào B40 để chống lấn chiếm và chống đổ các loại phế thải. Tổng số tiền HTX Thành Công chi phí cho các công việc trên là 3,6 tỷ đồng. Thành phố giao cho Sở Giao thông Công chính chủ trì thực hiện nhưng không có kinh phí nên đã giao cho HTX tạm thời sử dụng dải đất trên để trông giữ xe ô tô.

Ngày 25-12-2007, Sở Giao thông Công chính Hà Nội đã cấp Giấy phép số 54/GTCC-GTĐT cho HTX Thành Công sử dụng tạm thời dải đất ven đường Kim Giang (đoạn từ cầu Dậu đến Trường THCS Thanh Liệt, xã Thanh Liệt, dài khoảng 1.600m). Sáu tháng một lần, Sở lại tiến hành gia hạn giấy phép cho HTX Thành Công, giấy phép cuối cùng được cấp ngày 7-6-2010. Tất cả các giấy phép đều quy định rõ HTX Thành Công không được xây dựng công trình trên diện tích sử dụng, chỉ được đặt ki ốt kính khung nhôm để quản lý, chống lấn chiếm đất. Giấy phép là vậy, nhưng trên thực tế, trong quá trình quản lý, HTX Thành Công đã để cho các hộ gia đình, cá nhân dựng một loạt nhà xưởng, nhà kho, nhà hàng, gara ô tô…

Phó Chủ nhiệm HTX Thành Công Nguyễn Xuân Quý cho biết: Sau khi có giấy phép của Sở GTVT Hà Nội, HTX đã lập hàng rào B40, đồng thời dựng các lán làm mẫu theo quy định. Ngày 30-1-2008, HTX Thành Công đã có quyết định giao cho anh Nguyễn Văn Chiến chịu trách nhiệm trông nom, giám sát và thay mặt HTX ký hợp đồng cho những hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu thuê làm bãi trông giữ xe ô tô, xe máy ngày và đêm với cam kết không sử dụng vào mục đích khác, khi nào nhà nước thu hồi phải tự dỡ bỏ, trả lại mặt bằng vô điều kiện. Tuy nhiên, theo ông Quý, các hộ gia đình và cá nhân thuê mặt bằng đã tự ý dựng nhà kho, nhà xưởng, nhà hàng sai mẫu quy định của HTX Thành Công. Anh Nguyễn Văn Chiến không phải là xã viên của HTX Thành Công. Mọi hồ sơ liên quan đến việc cho thuê lại bãi trông xe đều do người này lưu giữ, HTX Thành Công không lưu giữ một bản hợp đồng cho thuê nào.

Được biết, giá thuê mặt bằng làm nơi trông giữ xe ban đầu giữa các hộ gia đình, cá nhân với HTX Thành Công là 3.000 đồng/m2/ tháng, nhưng qua nhiều lần người này thuê lại của người kia, đến nay giá thuê đã đội lên cả hơn chục lần. Bởi trên thực tế, có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại khu đất trên hiện đang sử dụng khoảng 300m2 phải trả 10 triệu đồng thuê mặt bằng một tháng. Vậy, với diện tích gần 2ha từ đầu cầu Dậu đến Trường THCS Thanh Liệt, mỗi năm ngân sách nhà nước thất thu bao nhiêu tiền?

Đùn đẩy trách nhiệm

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc triển khai dự án chỉnh trang, cải tạo hạ tầng hành lang sông Tô Lịch, bảo đảm thống nhất quản lý về hạ tầng trật tự an toàn giao thông đô thị, vệ sinh môi trường, ngày 19-8-2010, Sở GTVT Hà Nội đã ra Thông báo số 942/TB-GTVT về việc thu hồi các điểm trông giữ xe ô tô trên lề đường, hành lang an toàn giao thông bên bờ phải sông Tô Lịch, trong đó có điểm trông giữ xe của HTX Thành Công tại xã Thanh Liệt. Các đơn vị phải giải tỏa mặt bằng điểm trông giữ xe ô tô xong trước ngày 30-8-2010. Giao Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị giải tỏa; tổ chức tiếp nhận, quản lý mặt bằng sau giải tỏa và có trách nhiệm bàn giao lại mặt bằng cho Ban Quản lý dự án thoát nước (đại diện chủ đầu tư) để bảo đảm tiến độ dự án theo quy định... Thông báo cũng yêu cầu hoàn thành việc giải tỏa xong trước ngày 30-8-2010, nhưng cho đến nay, sau gần 2 năm bị rút giấy phép, hầu hết các nhà xưởng, nhà hàng, nhà kho, gara ô tô trên địa bàn xã Thanh Liệt vẫn ngang nhiên tồn tại.

Theo ông Nguyễn Xuân Quý, sau khi nhận được thông báo của Sở GTVT và Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội, HTX Thành Công đã chấm dứt không thu tiền thuê mặt bằng kể từ tháng 10-2011. Ngày 10-4-2012, HTX đã có thông báo gửi các gia đình, cá nhân có nhà xưởng, nhà kho, nhà hàng, gara ô tô về việc sẽ thu hồi những tấm B40, nhà lán dựng làm mẫu của HTX về kho HTX. Đến ngày 11-4-2012, HTX tổ chức thu hồi tất cả những tài sản trên nhưng những hộ gia đình tại đây đã khóa cửa, khóa cổng không cho người của HTX vào. HTX Thành Công đã báo cáo sự việc trên với UBND xã Thanh Liệt.

Trao đổi về vấn đề chính quyền địa phương có biện pháp gì trước thực trạng xây dựng nhà xưởng trong một thời gian dài như vậy, ông Vũ Quốc Phan, Chánh Thanh tra Xây dựng huyện Thanh Trì bức xúc: Sở GTVT Hà Nội cấp và gia hạn giấy phép trông giữ xe ô tô mà không kiểm tra thực tế việc tuân thủ các quy định trong giấy phép của HTX Thành Công, để các tổ chức, cá nhân "phớt lờ" cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương khi dựng nhà xưởng, nhà kho, nhà hàng, gara trên khu đất này. Thanh tra Xây dựng huyện Thanh Trì đã nhiều lần phối hợp với UBND xã Thanh Liệt tiến hành cưỡng chế, dỡ bỏ các công trình trên nhưng cưỡng chế xong hôm trước, hôm sau họ lại vi phạm. Vừa qua, UBND xã Thanh Liệt đã có văn bản đề nghị Công ty Điện lực Thanh Trì cắt điện của các cơ sở sản xuất, kinh doanh này nhưng việc cắt điện chưa được triệt để. Đồng thời, xã đang hoàn thiện hồ sơ, tuyên truyền, vận động để các hộ tự tháo dỡ. Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai là không gặp được chủ thực sự của các nhà xưởng, nhà kho vi phạm. Đến cuối tháng 4-2012, đã có 10/53 hộ tự tháo dỡ, bàn giao mặt bằng. Điều đáng nói, mặc dù UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ phối hợp với UBND huyện Thanh Trì, nhưng đến nay Sở GTVT Hà Nội chưa thực sự vào cuộc để triển khai việc giải tỏa.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng: Sở GTVT căn cứ vào hồ sơ mà cấp giấy phép trông giữ xe ô tô, còn việc để các công trình "mọc" trên bãi trông xe ô tô là trách nhiệm của các cơ quan quản lý trật tự xây dựng. Tuy nhiên, ông Linh cũng thừa nhận Sở GTVT đã không kiểm tra thực tế mỗi khi gia hạn giấy phép trông giữ xe. Điều đó lý giải vì sao giấy phép quy định không cho dựng nhà xưởng, nhà kho nhưng trên thực tế, các tổ chức, cá nhân thuê lại của HTX Thành Công cứ "vô tư" vi phạm.

Ông Vũ Hồng Kỳ, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội cho biết: Đến nay, phần lớn các hạng mục của gói thầu cải tạo đường công vụ bờ phải sông Tô Lịch đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến đường 70B và di chuyển, hạ ngầm các công trình điện, nước, thông tin thuộc Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội đã hoàn thành. Hiện nay, đang vướng mặt bằng để thi công hạng mục trồng cây xanh, tiểu cảnh bờ phải sông Tô Lịch đoạn qua xã Thanh Liệt. Nếu cứ đà này thì không biết dự án phải kéo dài đến bao giờ?

Trước những sai phạm nghiêm trọng trong việc cho thuê mặt bằng ven sông Tô Lịch tại xã Thanh Liệt, dư luận bức xúc đặt ra những câu hỏi cần được các cơ quan chức năng trả lời ngay, đó là bao giờ mới giải tỏa dứt điểm các nhà xưởng, nhà kho, gara ô tô trên khu đất đoạn từ cầu Dậu đến Trường THCS Thanh Liệt? Những ai phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng biến tướng trong việc thuê mặt bằng để trông giữ xe nhưng lại xây dựng nhà xưởng, kho cho thuê để kiếm lời?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần làm rõ trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.