Xổ số kiến thiết Thủ đô (XSKT) ra đời trong hoàn cảnh đất nước còn chia cắt thành hai miền. Miền Bắc đang thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.
Đảng, Nhà nước chủ trương động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phấn đấu thúc đẩy phát triển mạnh SXKD và cần kiệm "thắt lưng buộc bụng", để tạo nguồn lực xây dựng nền móng CNXH vững chắc ở miền Bắc, tạo cơ sở hậu thuẫn cho công cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ đấu tranh giành độc lập ở miền Nam. Khi được phát hành, tờ vé số mang tiêu đề "Cần kiệm xây dựng Thủ đô" đã có sức thu hút rất lớn. Nhiều người tham gia mua vé với tinh thần tự nguyện, xen lẫn niềm tự hào đã thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp thêm những "viên gạch hồng" để xây dựng Thủ đô giàu đẹp.
Công trình Trường Tiểu học Xuân La được xây dựng bằng nguồn vốn xổ số kiến thiết Thủ đô.
Lớn lên cùng Thủ đô...
Trên tinh thần ấy, việc tham gia mua vé cần kiệm xây dựng Thủ đô trong thời kỳ này đã thực sự trở thành phong trào. Người dân mua vé xổ số không vì mục đích cầu lợi mà là tham gia hình thức vui chơi giải trí lành mạnh và cao cả hơn là đóng góp để xây dựng nên những công trình phúc lợi xã hội của Thủ đô.
Vé XSKT Thủ đô ngày càng có uy tín trên thị trường và được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia mua vé, kể cả khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, đưa máy bay ném bom ác liệt, hòng biến miền Bắc XHCN trở về thời kỳ đồ đá, nhưng những tờ vé XSKT Thủ đô vẫn được phát hành và được mọi người đón nhận. Vòng quay xổ số vẫn không ngơi, tiếp tục mở thưởng các đợt phát hành hằng tháng. Nhiều hình ảnh đẹp, thể hiện sự dũng cảm vì sự nghiệp phát triển XSKT Thủ đô không thể nào quên đối với những ai quan tâm đến lịch sử xây dựng, phát triển XSKT Thủ đô. Đó là thời kỳ từ tháng 8-1964 đến cuối tháng 12-1972, đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc. Cả miền Bắc nói chung, Thủ đô nói riêng đã chuyển mọi hoạt động, sinh hoạt từ thời bình sang thời chiến, với các phong trào "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Tay búa, tay súng", "Tay cày, tay súng"… quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Nhiều cán bộ xổ số làm việc với mũ rơm, túi rết tài liệu trong hầm phòng không cá nhân, bám trụ cơ quan để phát hành vé và mở thưởng đúng kỳ... Máy bay, bom Mỹ không ngăn nổi những người làm công tác xổ số, đại lý bán vé phát hành vé XSKT Thủ đô ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của người mua, mà hơn hết là người dân Thủ đô đã vượt qua tất cả, kể cả bom đạn Mỹ, mua một vài tờ vé XSKT Thủ đô với mong muốn tăng thêm niềm tin, hy vọng và cũng là để góp thêm những viên gạch hồng xây dựng thêm những công trình phúc lợi xã hội, làm cho Thủ đô ngày càng giàu đẹp. Để bảo đảm đồng bộ với việc tăng tần suất phát hành, tăng số lượng vé phát hành trong mỗi đợt, Phòng XSKT còn phát triển mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý bán vé và nghiên cứu cải tiến phương thức phát hành, thay đổi cơ cấu giải thưởng cho phù hợp. Về mạng lưới đại lý phát hành, Phòng Xổ số chủ trương phát triển mở rộng đến cả các huyện ngoại thành, thậm chí một số người ở các tỉnh lân cận có nhu cầu làm đại lý bán vé XSKT Thủ đô. Vì vậy, đến những năm 1977-1978, hệ thống mạng lưới đại lý đã phát triển nhanh lên tới hàng ngàn người và vươn rộng khắp các quận, huyện của Thủ đô và một số tỉnh lân cận.
Những viên gạch hồng xây dựng Thủ đô
Ngoài tạo ra một sân vui chơi giải trí lành mạnh, ích nước, lợi nhà, góp phần cải thiện đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân, XSKT Thủ đô đã góp phần giải quyết việc làm và thu nhập cho một lực lượng lao động xã hội, phần lớn thuộc diện chính sách xã hội.
Khi mới thành lập (năm 1962), chỉ có 20 đại lý bán vé XSKT Thủ đô, đến năm 1981 đã phát triển lên đến vài trăm người. Trong bối cảnh KT-XH chưa phát triển, còn nhiều khó khăn, người lao động còn khó tìm việc làm, thu nhập của các tầng lớp nhân dân và đời sống sinh hoạt còn có nhiều hạn chế thì việc XSKT Thủ đô thu hút được một lực lượng lao động lên tới vài trăm người, phần lớn thuộc diện chính sách xã hội là thành tích rất đáng ghi nhận. Hơn nữa, lực lượng lao động này đều thuộc diện chính sách xã hội được XSKT Thủ đô ưu tiên tuyển chọn làm đại lý, giúp cho họ có thêm việc làm và thu nhập là việc làm thể hiện sự thấm nhuần chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và quan điểm của thành phố (TP) trong việc quan tâm chăm lo giải quyết với những người, gia đình có công lao đóng góp với đất nước và những người lao động nghèo của TP. Quan trọng hơn cả là XSKT đóng góp cho ngân sách nguồn thu không nhỏ để có thêm vốn đầu tư xây dựng hàng trăm công trình phúc lợi phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân. Trong tổng doanh thu XSKT hằng năm, ngoài phần dành một tỷ lệ thỏa đáng (ngày càng tăng) trả cho người may mắn trúng thưởng nhằm động viên, khuyến khích ngày càng nhiều người tham gia mua vé xổ số và phần nhỏ chi phí cho hoạt động (phần lớn để trả hoa hồng bán vé cho đại lý), phần còn lại được nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách TP. Tỷ lệ nộp ngân sách trong thời kỳ 1962-1981 đạt rất cao. Cụ thể, năm 1962-1963, tỷ lệ nộp ngân sách đạt 60% doanh thu; năm 1964-1970, tỷ lệ nộp ngân sách đạt tới 50% doanh thu; năm 1971-1981, tỷ lệ nộp ngân sách đạt tới 40% doanh thu. Năm 1962, sau 8 tháng phát hành, số tiền thu nộp ngân sách đạt 486.212 đồng, đến năm 1963-1964, bình quân mỗi năm nộp ngân sách lên tới khoảng 2 triệu đồng. Giai đoạn năm 1962-1966, số tích lũy ngân sách đạt 6.530.154 đồng; giai đoạn 1967-1971, số tích lũy nộp ngân sách tăng gấp 1,44 lần; tiếp đó, giai đoạn 1972-1976 tăng gấp 1,55 lần giai đoạn trước và giai đoạn 1977-1981 tăng gấp 2,16 lần giai đoạn trước.
Như vậy, sau gần 20 năm thành lập, mặc dù trong điều kiện nền KT-XH còn nhiều khó khăn, thu nhập của các tầng lớp nhân dân còn thấp, nhưng hoạt động XSKT Thủ đô vẫn phát triển mạnh và tăng được số tích lũy nộp ngân sách gấp hơn 20 lần. Kết quả này khẳng định chủ trương tổ chức hoạt động XSKT của Nhà nước, TP và hướng phát triển của XSKT Thủ đô là hoàn toàn đúng.
Từ nguồn tích lũy được của xổ số nộp vào ngân sách, đã có hàng trăm công trình phúc lợi xã hội được đầu tư xây dựng, gồm 40 trường phổ thông trên các quận, huyện, 11 trường dạy nghề cùng các công trình phúc lợi khác, với khoảng 30 công trình nhà trẻ, nhà mẫu giáo, công viên, vườn hoa, phòng khám bệnh... Trong đó có nhiều công trình mang tầm vóc của TP, như Trường Hà Nội - Amstecdam, Trường Thể dục - Thể thao 10-10, bể bơi Tăng Bạt Hổ, Công viên Thủ Lệ... Ngoài ra, từ nguồn thu XSKT Thủ đô, ngân sách còn có thêm nguồn vốn đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường giao thông nội thành, đường dây tải điện hoặc các trạm bơm thủy lợi… góp phần phát triển KT-XH của TP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.