(HNM) - Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) vừa yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet, trò chơi trực tuyến phải đóng dịch vụ game online (GO) và đường truyền đối với các đại lý internet sau 23h hôm trước đến 6h sáng hôm sau.
Tại một cửa hàng game online. Ảnh: Tuấn Duy |
Chị Đặng Thanh Huyền (phường Quảng An, quận Tây Hồ): Khuyến khích sản xuất trò chơi trực tuyến của Việt Nam với nội dung lành mạnh
Đâu phải ai chơi GO cũng nghiện? Đâu phải tất cả những bạo lực ngoài xã hội đều do GO gây ra? Điều quan trọng là làm thế nào để định hướng, giúp người chơi phân biệt được, đâu là những trò chơi lành mạnh và đâu là những trò chơi bạo lực có nội dung xấu, cần tránh xa... Để làm tốt vấn đề này, vai trò của gia đình rất quan trọng. Nhà trường chỉ quản lý học sinh trong thời gian nhất định, xã hội không thể làm thay vai trò của một gia đình. Cơ quan quản lý Nhà nước cần định hướng, khuyến khích các công ty đầu tư, sản xuất trò chơi trực tuyến của Việt Nam với nội dung lành mạnh, có tác dụng giáo dục về lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ.
Nguyenlam@...: Đóng servergame và đường truyền không có nhiều tác dụng
Theo tôi, việc buộc các nhà cung cấp dịch vụ internet, trò chơi trực tuyến phải đóng servergame và đường truyền đối với các đại lý internet sau 23h hôm trước đến 6h sáng hôm sau không có nhiều ý nghĩa. Lứa tuổi từ 9 đến dưới 18 thời gian chơi game chủ yếu vào ban ngày. Như vậy, thời điểm ngừng cung cấp dịch vụ GO và internet chủ yếu đánh vào nhu cầu giải trí của những người trưởng thành. Khi không được đáp ứng, người chơi ở lứa tuổi này hoàn toàn có đủ năng lực về tài chính và kỹ thuật để chuyển sang chơi GO của nước ngoài, vốn đang được lưu truyền rất rộng rãi trên internet. Khi đó, doanh nghiệp phát hành GO trong nước sẽ bị thiệt hại do mất một lượng khách hàng lớn và mục tiêu của các nhà quản lý vẫn không đạt được.
Anh Nguyễn Việt Hùng (phố Chùa Bộc, phường Trung Liệt, quận Đống Đa): Hãy quan tâm, giáo dục trẻ ngay trong mỗi gia đình
Con trai tôi trước kia cũng ham mê GO. Ngoài giờ đi học, hầu hết khoảng thời gian ở nhà của cháu là vùi đầu vào máy tính với các trò chơi game trực tuyến. Tôi cố tìm hiểu xem, vì sao cháu lại mê GO đến vậy? Thì ra, ở trường học, cháu nhút nhát, ít nói nên hầu như không có bạn bè, không biết làm gì ngoài giờ học, cháu chọn cách làm bạn với game. Biết được lý do, tôi đưa cháu đến các trung tâm thể dục thể thao, đăng ký cho cháu tham gia các câu lạc bộ, động viên cháu chơi thể thao... Và giờ đây con trai tôi đã trở nên năng động, vui vẻ, hòa nhập với bạn bè, không còn xem GO là phương tiện giao tiếp và giải trí duy nhất nữa. Tôi nghĩ, để quản lý con trẻ chơi GO, chúng ta nên bắt đầu từ cách quan tâm, giáo dục ngay trong chính mỗi gia đình.
Chị Hoàng Thị Tâm (Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên): Quản lý chặt để giảm thiểu tác hại
Theo tôi, trước những gì đang xảy ra cần khẳng định, GO mang đến nhiều tác hại hơn là lợi ích. Do vậy cần quản lý chặt để phát huy mặt tích cực và giảm thiểu những tác hại mà GO gây ra. Nếu tôi nhớ không nhầm, ngay từ năm 1998, Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các đại lý phải dừng cung cấp dịch vụ này sau 23h. Tuy nhiên, do các đại lý không nghiêm túc thực hiện quy định của cơ quan có thẩm quyền, thì biện pháp yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ internet cắt đường truyền đối với các đại lý sau 23h là cần thiết. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần có thái độ dứt khoát để quản lý GO bằng cách thực hiện song song nhiều giải pháp: hạn chế quảng cáo, cấp phép sản xuất GO, kiểm duyệt kỹ nội dung các trò chơi, đình chỉ các trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực, khuyến khích sản xuất các trò chơi trực tuyến có nội dung lành mạnh...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.